Nguồn: Sputnik launched, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Liên Xô mở đầu “Kỷ nguyên Không gian” (Space Age) bằng việc phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Con tàu vũ trụ tên là Sputnik, có nghĩa là “vệ tinh” trong tiếng Nga, đã được phóng vào lúc 10:29 tối, theo giờ Moskva, từ trạm phóng Tyuratam tại Cộng hòa Kazakhstan. Sputnik có đường kính 22 inch (55,8 cm), nặng 184 pound (83,5 kg), và có thể bay một vòng quanh Trái Đất hết 1 giờ 36 phút. Vệ tinh này có vận tốc 18.000 dặm/giờ, với quỹ đạo hình elip, trong đó điểm cực viễn cách Trái Đất 584 dặm và điểm cực cận cách 143 dặm.
Sputnik có thể quan sát được bằng ống nhòm trước khi mặt trời mọc hoặc sau khi mặt trời lặn. Nó truyền tín hiệu vô tuyến trở lại Trái Đất đủ mạnh để ngay cả những vật thu sóng vô tuyến nghiệp dư cũng có thể bắt được. Bấy giờ, người Mỹ nào sở hữu những thiết bị như vậy đều điều chỉnh và lắng nghe đầy kinh ngạc mỗi khi tàu vũ trụ Liên Xô bay qua Mỹ nhiều lần trong ngày. Vào tháng 1/1958, quỹ đạo vệ tinh Sputnik dần thu hẹp như đã được tiên đoán, và con tàu vũ trụ bị đốt cháy trong bầu khí quyển.
Về mặt chính thức, việc phóng Sputnik là để hưởng ứng Năm Địa Vật lý Quốc tế, một năm mà Hội đồng các Hiệp hội Khoa học Quốc tế (International Council of Scientific Unions) tuyên bố là thời điểm lý tưởng cho việc phóng vệ tinh nhân tạo để nghiên cứu Trái Đất và hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ lại lo sợ mục đích đầy nham hiểm của công nghệ tên lửa và vệ tinh mới của Liên Xô, rõ ràng là đang đi trước những nỗ lực không gian của Mỹ. Sputnik lớn gấp khoảng 10 lần kích thước của vệ tinh dự kiến đầu tiên của Mỹ, theo kế hoạch sẽ không được phóng cho đến năm tiếp sau đó. Chính phủ, quân đội, và cộng đồng khoa học Mỹ đã mất cảnh giác trước các thành tựu công nghệ của Liên Xô, và những nỗ lực của họ nhằm bắt kịp với Liên Xô đã báo trước sự khởi đầu của một “cuộc chạy đua không gian.”
Vệ tinh đầu tiên của Mỹ, Explorer, được phóng vào ngày 31/01/1958. Tính đến thời điểm đó, Liên Xô đã đạt được một chiến thắng lớn về mặt ý thức hệ, khi họ đưa một con chó vào quỹ đạo không gian trên tàu Sputnik 2. Trong khoảng cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960, các chương trình không gian của Liên Xô liên tiếp đạt được một loạt các danh hiện đầu tiên, như: người đàn ông đầu tiên bay vào không gian, người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian, ba người đàn ông đầu tiên bay vào không gian, cuộc đi bộ đầu tiên trong không gian, tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Mặt Trăng, bay vào quỹ đạo Mặt Trăng, tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Sao Kim, và thiết bị không gian đầu tiên hạ cánh trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, Mỹ đã có bước nhảy vọt khổng lồ trong cuộc đua không gian vào cuối những năm 1960, với chương trình Apollo, hạ cánh thành công hai tàu Apollo với 11 phi hành gia trên bề mặt của Mặt Trăng vào tháng 7/1969.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]