1. 1998-2003.
YZF-R1 được ra đời lần đầu tiên vào năm 1998, sử dụng động cơ 4 xi-lanh 998 cc, DOHC. Cung cấp nhiên liệu qua bộ chế hòa khí Mikuni với công suất tối đa xấp xỉ 149 mã lực tại vòng tua 10.000 vòng/phút. Nhờ sử dụng khung sườn nhôm đúc Deltabox nổi tiếng nên R1 có trọng lượng ở mức 192 kg, tức chỉ tương đương với các mẫu xe 750cc thời bấy giờ, góp phần tạo nên tên tuổi và sức cạnh tranh rõ rệt cho R1.
YZF-R1 1998-1999
Cuối năm 2000-2003, R1 có một sự thay đổi nhỏ về ngoại hình mang đặc tính khí động lực học hơn, cũng như điều chỉnh vị trí ngồi mới để người lái dễ dàng hòa hợp hơn với chiếc xe.
YZF-R1 2000-2003
2. 2004-2008.
Giai đoạn 2004-2006, Yamaha R1 tiếp tục thay đổi lớn về ngoại hình gồm thiết kế ống xả đôi được lắp đặt dưới yên xe và một diện mạo hoàn toàn mới.
YZF-R1 2004-2006
Vào năm 2007-2008, R1 tiếp tục được nâng cấp với bộ đèn pha sắc nét, khung sườn Deltabox thế hệ thứ 5 giúp xe phân bổ trọng lượng tốt hơn trước. Hệ thống phanh cũng được nâng cấp với phanh hướng tâm 6 piston, đĩa phanh có kích thước lớn 310 mm.
Sự thay đổi trong động cơ đến từ việc áp dụng các tiến bộ đến từ đường đua MotoGP để phát triển động cơ 4 xi-lanh 998 cc, DOHC với hệ thống chip điều khiển bướm ga YCC-T và co nạp biến thiên YCC-I, sản sinh công suất lên đến 180 mã lực tại vòng tua 12.500 vòng/phút và bộ ly hợp hỗ trợ chống trượt.
YZF-R1 2007-2008
3. 2009-2014.
Giai đoạn này, R1 đã chuyển từ đèn pha 4 mắt trong thiết kế 2007-2008 thành một cặp đèn pha thuần túy hay còn gọi là “mắt cú”. R1 được thiết kế nhỏ gọn hơn để giúp tăng độ linh hoạt của xe. Đây là thế hệ R1 đầu tiên được trang bị khối động cơ Crossplane lừng danh, vốn được phát triển từ trường đua MotoGP, mang đến âm thanh động cơ đầy uy lực và phấn khích chính như chiếc YZR-M1 đàn anh của mình.
YZF-R1 2009-2011
Khối động cơ này sản sinh công suất 182 mã lực tại dải tua 12.500 vòng/phút, cùng với 3 chế độ lái bao gồm chế độ A cung cấp công suất tối đa, chế độ STD cung cấp công suất trung bình và chế độ B cung cấp khả năng vận hành mượt mà nhất.
YZF-R1 2012-2014
Cuối năm 2012-2014, Yamaha R1 tiếp tục được bổ sung đèn chạy ban ngày ở phía trước đèn pha và hệ thống kiểm soát lực kéo (Traction Control).
4. 2015-2018
Giai đoạn này chính kiến sự thay đổi diện mạo lớn nhất của R1, cùng với ra mắt một phiên bản hiệu suất cao đặc biệt với mã là Yamaha R1M được lấy cảm hứng từ phiên bản đường đua MotoGP - YZR-M1. Mang một diện mạo cực kỳ cuốn hút và đậm khí động học mới, R1 thế hệ mới có ống xả cũng đã được thay đổi vị trí lắp đặt, cùng với việc trang bị nhiều công nghệ tân tiến hàng đầu của ngành công nghiệp như hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống chống bốc đầu (LIF), hệ thống kiểm soát độ trượt bánh sau (SLS), hệ thống kiểm soát lực phanh (BC), hệ thống sang số nhanh (QSS), hệ thống cảm biến gia tốc quán tính IMU 6 trục.
YZF-R1 2015-2018
Ở hiên bản đặc biệt R1M , Yamaha chú trọng sử dụng vật liệu carbon trong thiết kế dàn áo và các chi tiết nhựa nhằm mang lại trọng lượng tối ưu nhất có thể cho R1M. R1M còn được trang bị hệ thống giảm xóc trước sau Ohlins cao cấp, có thể tùy chỉnh toàn bộ các thông số theo nhu cầu sử dụng. Tất cả các hệ thống này đều được hiển thị thông qua màn hình LED đa sắc mới.
YZF-R1M 2015-2018
Khối động cơ crossplane CP4 mới cũng được cải tiến với các vật liệu và kỹ thuật tốt hơn, cho ra công suất lên đến 200 mã lực tại dải tua 13.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 112 Nm tại 11.500 vòng/phút.
5. 2020 - nay
R1 và R1M ở giai đoạn này vẫn mang trên mình diện mạo giống phiên bản tiền nhiêm nhưng được nâng cấp về sức mạnh và công nghệ. Thiết kế mới mang lại hiệu suất khí động học tốt hơn thêm 5,3%. Riêng ở phiên bản đặc biệt R1M còn được tăng cường các chi tiết bằng sợi carbon nhằm tối ưu hơn nữa cho mẫu xe thương mại đầu bảng của Yamaha.
YZF-R1 và R1M 2020
R1 đã trải qua nhiều quá trình nâng cấp và thay đổi cả về thiết kế, sức mạnh và công nghệ trong hơn 2 thập kỷ. Điều này cũng thể hiện nỗ lực của Yamaha trong việc không ngừng lằng nghe và cải thiện để có thể đáp ứng được mong muốn của nhiều fan hâm mộ đối với dòng xe này.
KT