Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe như dẫn tới đột quỵ, bệnh thận, cao huyết áp, ung thư dạ dày,... Hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, duy trì chế độ ăn uống khoa học là biện pháp giúp giữ gìn sức khỏe mà mỗi người nên thực hiện.
1. Ăn mặn có tác hại gì?
Muối là loại gia vị có vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Hằng ngày, lượng muối sẽ bị mất đi thông qua các hoạt động của cơ thể như đi vệ sinh, tiết mồ hôi, nước mắt,... Bổ sung muối cho cơ thể bằng con đường thực phẩm chính là phương pháp bù lại lượng muối mất đi. Tuy nhiên, khi bù đắp sự thiếu hụt này, nhiều người thường có thói quen sử dụng khá nhiều muối vì loại gia vị này rẻ và dễ tạo hương vị đậm đà cho món ăn.
Tuy nhiên ăn mặn nhiều có tốt không? Việc thường xuyên sử dụng đồ ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như:
1.1 Tăng huyết áp
Ăn mặn thường xuyên làm tăng huyết áp. Huyết áp cao dẫn tới nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Cụ thể, việc ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào với natri. Ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn đến tăng huyết áp.
1.2 Đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu giảm 1 thìa cà phê muối ăn trong các bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ.
1.3 Gây bệnh tim
Lượng muối lớn đưa vào cơ thể do thói quen tiêu thụ đồ ăn mặn sẽ khiến chúng ta phải uống nhiều nước, làm tăng khối lượng máu tuần hoàn và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tâm thất trái to lên, dẫn đến hiện tượng suy tim. Tâm thất trái có thể trở lại bình thường nếu chúng ta phát hiện và giảm lượng muối nạp vào cơ thể.
1.4 Làm hại thận
Ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng tới thận - cơ quan quan trọng quyết định tới sinh lý phái mạnh. Cụ thể, ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu đã bị bệnh thận mà bệnh nhân vẫn sử dụng đồ ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng nặng. Ngược lại, nếu giảm lượng muối thì chức năng thận sẽ được cải thiện tốt hơn. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,...
1.5 Gây bệnh dạ dày
Muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân của 80 - 90% các trường hợp mắc viêm loét dạ dày, tá tràng. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Ngoài ra, lượng natri trong cơ thể cao cũng làm giảm hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.
1.6 Làm yếu xương
Ăn mặn làm hại xương. Việc ăn quá nhiều muối có thể gây mất canxi từ xương trong khi canxi là yếu tố quan trọng cho xương khỏe mạnh. Khi xương bị mất canxi thì chúng sẽ trở nên yếu, dễ gãy hơn. Điều này làm tăng nguy cơ loãng xương.
1.7 Hen suyễn
Sử dụng nhiều đồ ăn mặn trong chế độ ăn hằng ngày có thể kích hoạt cơn hen suyễn. Ngoài ra, bệnh hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, xương, tim mạch,... và nhiều bệnh lý khác.
2. Nên thay đổi thói quen ăn mặn như thế nào?
Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, hiện nay, trung bình mỗi người Việt hằng ngày đang ăn thừa gấp 2-3 lần so với lượng muối theo khuyến nghị là 5g/ngày. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, bạn nên thực hiện giảm muối trong chế độ ăn của gia đình. Cụ thể:
- Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối,... Nguyên nhân là vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu. Nếu vẫn muốn ăn các thực phẩm này, người dùng nên chọn sản phẩm có hàm lượng muối thấp hơn (xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng thực phẩm).
- Chọn cách chế biến món ăn: nên chế biến món luộc, hấp thay vì món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như món kho, rim, rang,... để làm giảm lượng muối ăn vào hằng ngày từ các loại đồ ăn mặn.
- Khi nấu nướng, nếu muốn gia giảm gia vị mặn, người nấu nên nếm thức ăn trước khi thêm gia vị để đảm bảo cho vào lượng vừa đủ, không cho quá nhiều. Ngoài ra, mì chính là gia vị có vị ngọt nhưng trong thành phần có natri - tương tự thành phần chính của muối ăn - nên người nội trợ cũng nên hạn chế dùng mì chính để tăng vị ngọt của món ăn.
- Nên giảm ăn muối một cách từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể dần thích nghi.
- Giảm lượng gia vị mặn chứa nhiều muối cho vào món ăn bằng cách chế biến với các loại gia vị khác để tăng cảm giác của vị giác.
- Tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào một cách tốt nhất.
- Hạn chế chấm nước mắm, bột canh,... Tốt nhất, khi ăn các loại nước chấm trên người dùng nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi.
- Nên sử dụng muối và bột canh có chứa iốt để phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ và các rối loạn khác do thiếu iốt.
Muối là loại gia vị có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Do đó, chúng ta cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, có chế độ ăn uống hợp lý và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.