40% học sinh phải học ngoài công lập và trường nghề
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021 - 2022, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020 - 2021).
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh sẽ được tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyến vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.
Thí sinh 2K7 phải đối mặt với nhiều thách thức khi kỳ thi đang tới gầnTheo lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút; có nhiều mã đề thi trong một phòng thì đảm bảo nguyên tắc: 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Lịch thi: Dự kiến trong khoang thời gian từ ngày 10-20/6.
Thông tin thành phố Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 THPT khiến tất cả phụ huynh và học sinh thở phào nhẹ nhõm. Dù mừng vui vì được bỏ bớt môn thi thứ 4 nhưng sỹ tử 2K7 cũng đang phải đối mặt với không ít nỗi lo khi mà thời gian không còn nhiều, số lượng học sinh xét tốt nghiệp THPT toàn thành phố tăng, trong khi đó chỉ có 60% được vào các trường THPT công lập. Ngoài ra, một bất lợi nữa đối với thí sinh thi vào lớp 10 năm nay là gần như cả năm các em phải học online, đồng thời đa số các em bị ảnh hưởng về tâm lí và sức khỏe do tình hình dịch bệnh kéo dài nên chất lượng học tập có thể ít nhiều.
Vẫn đủ thời gian nếu có quyết tâm cao
Nhiều thầy cô cho rằng, để có kết quả tốt, ngoài việc giữ sức khỏe và phòng chống dịch tốt, học sinh cần lập kế hoạch ôn tập hợp lý, xác định rõ mục tiêu, lộ trình cụ thể cho từng môn học.
Cô Vũ Ái Vân, giáo viên môn Toán trường THCS Gia Thuỵ (Long Biên) cho rằng: “Học sinh cần nâng cao ý thức tự học, càng học online lại càng phải có ý thức tự giác. Bên cạnh đó, các em cần tập trung khi ở trên lớp nghe giáo viên giảng bài, tích cực tương tác với thầy cô để giải quyết những vấn đề mình không hiểu. Nếu học sinh tích cực, có quyết tâm cao thì thì thời gian còn lại đủ để có thể ôn tập”.
Nếu quyết tâm cao, thí sinh vẫn có thể biến thách thức thành cơ hộiCô Phạm Thị Thu Diễm, giáo viên trường THCS Ngô Quyền, Đông Anh cho hay, Sở GD&ĐT Hà Nội rất tạo điều kiện cho thí sinh khi bỏ môn thi thứ 4. Chính vì thế, học sinh hiện chỉ tập trung vào 3 môn chính: Toán, Văn Anh. Vẫn biết rằng thời gian còn lại là ngắn nhưng khi tập trung vào thời gian có thể coi là áp lực trước kỳ thi thì lượng kiến thức và kỹ năng làm bài có áp lực sẽ hiệu quả hơn.
“Các em học xong phải rèn luyện lại luôn, hệ thống kiến thức, song hành, trao đổi bài tập cùng các bạn về những kiến thức đó. Học sinh không nên chủ quan (với những em tự tin về lực học của mình và khi bỏ môn thi thứ 4 càng có thời gian ôn 3 môn còn lại) hoặc không nên lo lắng quá. Chỉ cần các em tập trung, chăm chỉ và quyết tâm thi thì khoảng thời gian này vẫn có thể ôn thi hiệu quả và đạt kết quả tốt”, cô Diễm đưa ra lời khuyên với học sinh.
Nhiều thầy cô cho rằng, ngay từ đầu năm lớp 9, các trường học đều chú trọng vào 3 môn chính là Toán, Văn, Anh. Hiện tại, sau khi biết các môn thi, nhiều trường đã chủ động lên kế hoạch để ôn tập cho học sinh để giúp các em đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, về phía phụ huynh cũng bớt kỳ vọng và đừng đặt lên con quá nhiều niềm tin, hi vọng để những điều này trở thành áp lực đối với học sinh. Dù đỗ hay trượt thì cũng nên tạo tâm lý cho con thật thoải mái.
Ngoài ra, phụ huynh nên căn cứ vào năng lực của con mình, nghe tư vấn từ giáo viên chủ nhiệm để chọn trường đúng khả năng với con. Một vấn đề nữa là cha mẹ nên có thêm các phương án phụ về các trường ngoài công lập, hiện nay hệ thống trường ngoài công lập cũng rất tốt cho sự phát triển của học sinh và cũng là bước đệm hợp lý để các em học tiếp các cấp học cao hơn.