Phát triển bền vững về môi trường được hiểu là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên từ môi trường, chất lượng môi trường sống của con người phải được đảm bảo, tích hợp các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học vào việc hoạch định kế hoạch quốc gia và địa phương. Các yêu cầu để phát triển bền vững môi trường là:
- Sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo
- Phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái
- Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng khí quyển Trái đất
- Kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính
- Bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm
- Giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (đất, nước, không khí, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm...
Năng lượng sạch được khai thác sử dụng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng đến sự phát triển bền vững về môi trường
Có 5 chỉ tiêu cụ thể về môi trường được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, bao gồm:
- Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%
- Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%
- Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (So với kịch bản phát triển thông thường)
- 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
- Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Ngoài ra, theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050 sẽ giảm ít nhất 30% (so với năm 2014).
Hướng đến sự phát triển bền vững về môi trường, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra hàng loạt cam kết quan trọng nhằm chung tay cùng các quốc gia chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ Trái đất, như Việt Nam sẽ giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030; tham gia các cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý; tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch… Đặc biệt, “Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” (Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26).