Quan hệ từ là gì? Đâu là các cặp quan hệ từ thường gặp trong tiếng Việt? Làm sao để hạn chế tối đa các lỗi sử dụng quan hệ từ khi mới học? Nếu đây là những điều bạn đang tìm hiểu thì nội dung dưới đây của chúng tôi sẽ giải quyết điều đó giúp bạn.
Quan hệ từ là gì? Vai trò của quan hệ từ trong câu
Để hiểu rõ quan hệ từ là gì và những vai trò chính của quan hệ từ trong câu văn, mời bạn cùng tìm hiểu qua nội dung sau:
Khái niệm về quan hệ từ
Quan hệ từ là những từ hoặc cụm từ dùng để liên kết các thành phần trong câu hoặc các câu trong đoạn văn, nhằm biểu thị mối quan hệ giữa chúng. Một số quan hệ từ thường gặp là vì, bởi vì, do, trong khi, dựa theo, một số,…
Sau đây là những ví dụ cụ thể về quan hệ từ xuất hiện trong câu văn:
- Tôi sẽ gọi bạn sau khi tôi về nhà. (“Sau khi” là quan hệ từ để diễn tả mối quan hệ về thời gian)
- Tôi đến muộn vì trời mưa. (“Vì” là quan hệ từ để biểu thị mối quan hệ nhân quả.)
- Cô ấy cao hơn tôi. (“Hơn” là quan hệ từ dùng để so sánh.)
Vai trò của quan hệ từ
Quan hệ từ là một trong những phần không thể thiếu của các câu văn tiếng Việt.
- Kết nối các thành phần trong câu: Quan hệ từ có vai trò liên kết các từ, cụm từ hoặc mệnh đề trong câu.
- Xác định quan hệ nguyên nhân - kết quả: Quan hệ từ giúp chỉ rõ nguyên nhân và kết quả của một sự việc.
- Xác định quan hệ mục đích: Sử dụng quan hệ từ nhằm biểu thị mục đích hoặc ý định của hành động.
- Bổ sung thông tin cho một thành phần trong câu: Sử dụng quan hệ từ giúp thành phần trong câu có đầy đủ thông tin hơn.
- Diễn tả tình huống giả định và kết quả: Quan hệ từ giúp biểu thị điều kiện hoặc tình huống giả định cùng với kết quả liên quan.
- Xây dựng cú pháp và ý nghĩa trong ngữ pháp: Giúp câu văn trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn.
Các cặp quan hệ từ phổ biến trong tiếng Việt
Sau khi tìm hiểu quan hệ từ là gì, bạn cũng nên tìm hiểu về các cặp quan hệ từ để hiểu hơn về loại từ này. Hiện nay, trong tiếng Việt có 6 cặp quan hệ từ như sau:
Cặp “Điều kiện - Kết quả”
Cặp quan hệ từ chỉ “Điều kiện - Kết quả” là những cặp từ dùng để chỉ mối quan hệ điều kiện và kết quả giữa hai sự việc. Trong đó, sự việc thứ nhất đặt ra điều kiện cần thiết để sự việc thứ hai xảy ra. Một số cặp quan hệ từ “Điều kiện - Kết quả” thường thấy là nếu - thì, giá mà - thì, hễ - thì, chỉ cần - thì,…
Ví dụ về đặt câu với cặp quan hệ từ “Điều kiện - Kết quả”:
- “Nếu trời nắng thì bọn mình sẽ đi dã ngoại.”
- “Giá mà tôi có nhiều thời gian hơn thì tôi sẽ học thêm một ngôn ngữ mới.”
- “Hễ đến mùa hè thì gia đình tôi lại đi du lịch.”
Cặp “Nguyên nhân - Kết quả”
Cặp quan hệ từ chỉ “Nguyên nhân - Kết quả” là những cặp từ dùng để chỉ mối quan hệ nhân quả giữa hai sự việc. Sự việc thứ nhất là nguyên nhân gây ra sự việc thứ hai, và sự việc thứ hai là kết quả của sự việc thứ nhất. Một số cặp quan hệ từ “Nguyên nhân - Kết quả” bao gồm vì - nên, do - nên, nhờ - mà, bởi vì - nên,…
Ví dụ về đặt câu với quan hệ từ chỉ “Nguyên nhân - Kết quả”:
- “Vì trời mưa nên chúng tôi phải hủy buổi dã ngoại.”
- “Nhờ chăm chỉ học tập nên cô ấy đạt điểm cao trong kỳ thi.”
- “Bởi vì anh ấy làm việc quá sức nên đã bị ốm.”
Cặp quan hệ từ chỉ “sự tương phản”
Đây là những cặp quan hệ từ dùng để chỉ mối quan hệ đối lập hoặc tương phản giữa hai sự việc hoặc hai khía cạnh của một sự việc. Một phần của câu sẽ nêu lên một sự việc, phần còn lại của câu đó nêu lên sự việc trái ngược hoặc đối lập với nó. Một số cặp quan hệ từ tương phản đó là tuy - nhưng, dù - nhưng,…
Ví dụ đặt câu với cặp quan hệ từ chỉ “sự tương phản”:
- “Tuy thời tiết lạnh nhưng chúng tôi vẫn đi dã ngoại.”
- “Dù cô ấy rất bận nhưng cô ấy vẫn dành thời gian giúp đỡ tôi.”
- “Dẫu trời mưa nhưng họ vẫn quyết định đi xem phim.”
Cặp quan hệ từ chỉ “sự tăng tiến”
Cặp quan hệ từ chỉ “sự tăng tiến” là những cặp từ dùng để chỉ sự tăng cường, bổ sung hoặc gia tăng về mức độ, tính chất hoặc ý nghĩa của sự việc được đề cập trong câu. Nói cách khác, đầy là cặp quan hệ từ dùng để diễn tả sự phát triển hoặc mở rộng của một ý tưởng hoặc hành động. Những cặp quan hệ từ chỉ “sự tăng tiến” thường gặp là không những - mà còn, không chỉ - mà còn, càng - càng,…
Ví dụ đặt câu với cặp quan hệ từ chỉ “sự tăng tiến”:
- “Cô ấy không những học giỏi mà còn rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.”
- “Anh ấy không chỉ là một lập trình viên giỏi mà còn là một nhà thiết kế đồ họa tài năng.”
- “Không chỉ tôi, mà cả gia đình tôi đều yêu thích đi du lịch.”
Cặp quan hệ từ chỉ “mục đích”
Cặp quan hệ từ chỉ “mục đích” là những cặp từ dùng để biểu thị mục đích hoặc ý định của một hành động trong câu. Một số cặp quan hệ từ chỉ “mục đích” đó là để, nhằm, với mục đích, với ý định,…
Ví dụ đặt câu với cặp quan hệ từ chỉ “mục đích”:
- “Tôi học tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt hơn với người nước ngoài.”
- “Công ty tổ chức hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng cho nhân viên.”
- “Họ xây dựng công viên mới với mục đích tạo không gian xanh cho cộng đồng.”
Cặp quan hệ từ chỉ “sự lựa chọn”
Quan hệ từ chỉ sự lựa chọn là các cặp quan hệ từ dùng để chỉ mối quan hệ lựa chọn giữa hai hoặc nhiều sự việc, đối tượng hoặc hành động. Những quan hệ từ chỉ “sự lựa chọn” phổ biến đó là hoặc, hay, hoặc là - hoặc là, hoặc - hay,…
Ví dụ đặt câu với cặp quan hệ từ chỉ “sự lựa chọn”:
- “Bạn có thể học tiếp tục học lên cao học hoặc bắt đầu đi làm ngay.”
- “Chúng ta có thể đi xem phim hoặc đi ăn tối ở nhà hàng.”
- “Hoặc là chúng ta sẽ tổ chức họp trực tuyến, hoặc là hoãn cuộc họp sang tuần sau.”
Chữa lỗi về quan hệ từ người mới học thường gặp
Khi sử dụng các quan hệ từ, đôi khi người mới học sẽ không tránh khỏi việc mắc lỗi khiến cho câu văn không thoát ý, dẫn đến người đọc hoặc người nghe bị khó hiểu. Vì vậy, sau khi đã giải đáp cho bạn quan hệ từ là gì, chúng tôi cũng sẽ chữa một số lỗi phổ biến về quan hệ từ người mới học thường gặp
Thiếu quan hệ từ
Việc thiếu quan hệ từ là một trong những lỗi thường thấy của người mới học. Nếu mắc phải lỗi này, câu văn sẽ thường mất đi tính liên kết khiến cho diễn đạt bị lủng củng, đồng thời không thể hiện được rõ nét nghĩa của câu văn.
Ví dụ, trong câu: “Anh ấy đang đi dạo công viên () tôi.”
Đây là trường hợp câu văn bị thiếu quan hệ từ, khiến cho câu văn bị khó hiểu về ý nghĩa “công viên () bạn” là gì. Trong trường hợp này, ta sẽ cần bổ sung quan hệ từ “với” trong ngoặc đơn để làm rõ “anh” đang đi dạo công viên cùng đối tượng nào.
=> Như vậy, câu văn đúng sẽ là: “Anh ấy đang đi dạo công viên với tôi.”
Thừa quan hệ từ
Bên cạnh lỗi thiếu quan hệ từ, không ít người mới cũng từng mắc lỗi sử dụng thừa quan hệ từ trong câu văn ít nhất một lần. Điều này khiến cho diễn đạt câu văn mất đi sự tự nhiên, ý nghĩa trong câu văn cũng trở nên lộn xộn vì thiếu sự liên kết.
Ví dụ, trong câu: “Vì yêu thích nhạc jazz nên anh ấy mà còn đã đi xem một buổi biểu diễn jazz.”
Đây là trường hợp câu văn bị thừa quan hệ từ, khiến câu văn không được tự nhiên và khó hiểu. Để chữa lỗi về quan hệ từ trong câu này, ta sẽ cần bỏ quan hệ từ “mà còn” để câu văn chỉ sử dụng duy nhất cặp quan hệ từ chỉ nguyên nhân - kết quả.
=> Như vậy, câu văn đúng sẽ là: “Vì yêu thích nhạc jazz nên anh ấy đã đi xem một buổi biểu diễn jazz.”
Dùng quan hệ từ không thích hợp về nghĩa
Một trong những lỗi phổ biến khác khi sử dụng quan hệ từ đó là dùng quan hệ từ không thích hợp về nghĩa. Giống như những lỗi khác, việc mắc phải lỗi này cũng sẽ khiến câu văn bị biến đổi về mặt ý nghĩa, đồng thời diễn đạt câu văn bị lủng củng.
Ví dụ, trong câu: “Vì đi xem phim, anh ấy quyết định đi ăn cơm.”
Có thể thấy, vế thứ nhất và vế thứ hai của câu văn không có sự liên kết về mặt nguyên nhân - kết quả. Do đó, ta sẽ không sử dụng quan hệ từ “vì” trong câu văn này mà thay vào đó, ta sẽ sử dụng quan hệ từ chỉ thời gian “sau khi”.
=> Như vậy, câu văn đúng sẽ là: “Sau khi đi xem phim, anh ấy quyết định đi ăn cơm.”
Dùng quan hệ từ mà không có tác dụng liên kết
Dùng quan hệ từ khi không có tác dụng liên kết khiến cho loại từ này không phát huy được vai trò vốn có.
- Ví dụ, trong câu “An không những giỏi thể thao. Không những có năng khiếu âm nhạc.”
Trường hợp trên là ví dụ của việc dùng quan hệ từ mà không có tác dụng liên kết. Để chữa lỗi về quan hệ từ này, ta có thể sử dụng cặp quan hệ từ chỉ “sự tăng tiến” không những - mà còn để liên kết hai câu văn thành một câu hoàn chỉnh.
=> Như vậy, câu văn đúng sẽ là: “An không những giỏi thể thao mà còn có năng khiếu âm nhạc.”
Kết Luận
Trên là toàn bộ nội dung giải đáp câu hỏi “Quan hệ từ là gì” mà chúng tối muốn chia sẻ đến các bạn. KidsUP hy vọng rằng bài viết này sẽ hữu ích với các bạn đang học.