Soi cổ tử cung là một thủ thuật y tế ít xâm lấn, đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, theo dõi tình trạng sức khỏe của cổ tử cung và các khu vực lân cận. Phương pháp này giúp các bác sĩ có thể quan sát, phát hiện, kiểm tra kỹ càng và chi tiết các bất thường ở vùng cổ tử cung, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Soi cổ tử cung là gì?
Soi cổ tử cung hay soi tử cung là một thủ thuật y khoa giúp quan sát vùng cổ tử cung. Hiện nay, thủ thuật này được thực hiện bằng các máy soi chuyên biệt, có độ phóng đại lớn để quan sát trực tiếp bề mặt cổ tử cung, âm đạo và một phần của tử cung. (1)
Máy soi là một thiết bị nhỏ gọn, bao gồm một ống kính và hệ thống đèn chiếu sáng, cho phép bác sĩ nhìn rõ các mô tại khu vực này qua màn hình hoặc ống kính của thiết bị. Thủ thuật này rất quan trọng vì cung cấp hình ảnh chi tiết của các mô trong khu vực cổ tử cung mà mắt thường không nhìn thấy, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng.
Soi cổ tử cung để làm gì?
Soi cổ tử cung được chỉ định nhằm mục đích kiểm tra và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe liên quan đến cổ tử cung. Phương pháp này rất hữu ích trong việc phát hiện các dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, polyp cổ tử cung, u xơ,…(2)
Khi kết quả xét nghiệm Pap smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) cho thấy có dấu hiệu bất thường, phương pháp này giúp xác định rõ hơn nguyên nhân và mức độ của các bất thường đó. Thông qua việc quan sát trực tiếp, bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng của cổ tử cung và quyết định phương pháp điều trị thích hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Vì sao cần thực hiện soi tử cung? (Giúp kiểm tra những gì?)
Soi cổ tử cung được đánh giá là một công cụ chẩn đoán quan trọng, không thể thiếu trong việc chẩn đoán sang thương ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. Cụ thể:
1. Phát hiện sớm các bất thường
Bác sĩ có thể thực hiện soi tử cung của bệnh nhân khi phát hiện hoặc nghi ngờ có bất thường liên quan đến các tế bào trong tử cung sau khi tiến hành thăm khám vùng chậu, xét nghiệm Pap hay xét nghiệm HPV có kết quả bất thường hoặc dương tính. Thông qua quá trình thực hiện, bác sĩ dễ dàng quan sát được chính xác và chi tiết hơn về tình trạng tử cung của bệnh nhân, giúp xác nhận được rõ ràng và cụ thể các bất thường đang tồn tại trong cơ thể.
2. Chẩn đoán các vấn đề sức khỏe khác
Soi tử cung không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh lý tiền ung thư mà còn có thể chẩn đoán được nhiều vấn đề về sức khỏe khác như tình trạng viêm nhiễm, bệnh lý polyp cổ tử cung, u xơ hoặc các tổn thương mô khác trong tử cung.
Những vấn đề này có thể gây ra triệu chứng như chảy máu hay ra dịch âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục,… Việc chẩn đoán chính xác giúp bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị hợp lý, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
3. Theo dõi các bệnh lý
Trong trường hợp nữ giới đã được chẩn đoán mắc một số bệnh lý liên quan đến cổ tử cung, chẳng hạn như nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan khác, thực hiện soi cổ tử cung là điều hết sức cần thiết.
Quá trình này giúp theo dõi tình trạng sức khỏe hiện tại của chị em, kiểm tra xem các bất thường đó có tiến triển hay không,… Điều này rất quan trọng, giúp hạn chế và ngăn chặn bệnh tình tiến triển sang ung thư cũng như bác sĩ sẽ có phương án điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp hơn với từng giai đoạn của bệnh tình.
4. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có thể phát triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Việc thực hiện soi tử cung định kỳ giúp phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung hoặc các thay đổi ở giai đoạn tiền ung thư, từ đó có thể điều trị kịp thời và ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.
Ai nên thực hiện soi cổ tử cung?
Hầu hết chị em đều có nguy cơ mắc bệnh lý phụ khoa, đặc biệt phụ nữ trên 35 tuổi. Soi cổ tử cung sẽ được chỉ định khi kết quả khám phụ khoa có bất thường. Vì vậy, khi thăm khám vùng chậu bất ổn, có kết quả xét nghiệm Pap smear bất thường hoặc xuất hiện các triệu chứng như chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân, đau khi quan hệ tình dục, hoặc dịch âm đạo có mùi lạ,… chị em nên thực hiện.
Bên cạnh đó, những người có tiền sử nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) hoặc có các yếu tố nguy cơ khác đối với ung thư cổ tử cung cũng nên thực hiện soi cổ tử cung định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe và có phương pháp xử trí, điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.
Kỹ thuật soi cổ tử cung có ảnh hưởng gì không?
Không ít phụ nữ lần đầu thực hiện thủ thuật này khá lo lắng, băn khoăn không biết sau khi thực hiện kỹ thuật này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không. Soi cổ tử cung là một thủ thuật tương đối an toàn và ít xâm lấn. Thủ thuật này chỉ gây ra cảm giác không thoải mái nhẹ hoặc hơi đau khi đưa mỏ vịt từ bên ngoài vào âm đạo của nữ giới. Chị em có thể cảm thấy hơi nóng rát hoặc châm chích khi dung dịch tiếp xúc với cổ tử cung.
Nếu cần phải thực hiện sinh thiết, nữ giới có thể cảm thấy nhói hoặc có cảm giác đau giống như đau bụng kinh khi bác sĩ lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung làm xét nghiệm. Một số phụ nữ có thể gặp phải tình trạng chảy máu âm đạo nhẹ hoặc xuất hiện dịch tiết âm đạo sau thực hiện nhưng những triệu chứng này thường sẽ tự giảm và biến mất sau một vài ngày.
Hầu hết bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trở lại ngay sau khi thực hiện xong thủ thuật. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như chảy nhiều máu, sốt cao hoặc đau dữ dội, chị em cần đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.
Những việc bạn cần chuẩn bị
Để quá trình soi cổ tử cung diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và mang lại hiệu quả cao, trước khi thực hiện thủ thuật này, chị em nên chuẩn bị tốt một số yếu tố sau:
- Phụ nữ nên thực hiện trong thời gian không có kinh nguyệt để bác sĩ có thể theo dõi được rõ ràng cấu trúc của cổ tử cung, các khu vực lân cận xung quanh tử cung mà không bị che khuất tầm nhìn hay chịu sự ảnh hưởng của máu kinh nguyệt.
- Trao đổi trực tiếp với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại; tiền sử bệnh lý cá nhân; tình trạng dị ứng, kích ứng với các loại thuốc (nếu có);… để bác sĩ có thể nắm rõ vấn đề và có những sắp xếp phù hợp với từng trường hợp của bệnh nhân.
- Trong vòng ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện thủ thuật, nữ giới không nên quan hệ tình dục, thụt rửa quá sâu âm đạo, sử dụng tampon (một loại băng vệ sinh có dạng hình que), dùng thuốc đặt âm đạo để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm.
Quy trình thực hiện soi tử cung như thế nào?
Quy trình thực hiện soi cổ tử cung ở phụ nữ thường gồm các bước sau:
- Tương tự như thăm khám phụ khoa, nữ giới sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên bàn khám, hai chân đặt vào kẹp đỡ.
- Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ y khoa là mỏ vịt đưa vào bên trong để mở rộng âm đạo, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát cổ tử cung hơn.
- Máy soi cổ tử cung được đặt ngay bên ngoài âm đạo. Thông qua máy soi, bác sĩ sẽ quan sát âm đạo và cổ tử cung của phụ nữ kỹ càng hơn.
- Bác sĩ sẽ dùng tăm bông hoặc bông gòn thoa dung dịch axit axetic (dung dịch giấm) vào khu vực tử cung và âm đạo. Dung dịch này giúp các mô bất thường chuyển sang màu trắng, từ đó dễ dàng nhận thấy và quan sát cụ thể hơn. Khi thoa dung dịch này vào, nữ giới sẽ có cảm giác nóng rát nhẹ.
- Nếu kết quả soi tử cung cho thấy một hoặc nhiều vùng mô có hiện tượng bất thường, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết lấy mẫu mô này đem đi xét nghiệm. Trong quá trình sinh thiết lấy mẫu mô, khu vực này sẽ bị tê, chị em sẽ có cảm giác hơi nhói.
- Tại vị trí sinh thiết, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc bôi dạng kem để điều trị tình trạng chảy máu.
Một số lưu ý khi thực hiện soi cổ tử cung
Sau khi khi thủ thuật được hoàn thành, chị em nên theo dõi sức khỏe của mình và chú ý đến các dấu hiệu bất thường. Nếu thấy xuất hiện tình trạng chảy máu nhiều, sốt cao liên tục, đau dữ dội ở vùng bụng, xuất huyết âm đạo hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị ngay.
Bên cạnh đó, nữ giới cũng cần tuân thủ, thực hiện đúng các chỉ dẫn chăm sóc sức khỏe sau thủ thuật và thực hiện tái khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ (nếu có) để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Nếu chị em có nhu cầu đặt lịch khám, tư vấn, thực hiện soi tử cung hay thăm khám sức khỏe phụ khoa cùng các chuyên gia, bác sĩ giỏi tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ đến:
Tóm lại, soi cổ tử cung là một kỹ thuật chẩn đoán quan trọng trong việc duy trì sức khỏe phụ khoa, phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh lý nghiêm trọng. Hiểu rõ về quy trình, chuẩn bị đầy đủ và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp chị em thực hiện thủ thuật an toàn, thoải mái và đem lại hiệu quả cao hơn.