Được mô tả trong các văn bản xưa như là “Lời của thần linh”, các biểu tượng này được sử dụng thường xuyên trong các lễ nghi tôn giáo và phép thuật ở Ai Cập. Mỗi biểu tượng đều mang một ý nghĩa riêng biệt, đặc trưng cho văn hóa tín ngưỡng của người Ai Cập, làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước giàu truyền thống này.
Ankh - Biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu
Ankh là chữ tượng hình Ai Cập có nghĩa là "cuộc sống". Chỉ có các Pharaoh, Hoàng hậu và các vị thần mới được phép mang biểu tượng này vì nó được tin là sẽ đem lại sức mạnh cho người cầm nó có thể ban hay tước đoạt sinh mệnh từ những người khác.
Nó còn được coi như là “chìa khóa của sự sống” do chính hình dạng giống như chiếc chìa khóa của nó đã tạo nên niềm tin nó có thể mở khóa “cửa địa ngục”. Ankh cũng gợi lên hình ảnh của mặt trời mọc nơi đường chân trời, biểu thị cho sự tái sinh mỗi ngày.
Từ thời đại Middle Kingdom (1986 - 1759 BC), từ Ankh còn được dùng để chỉ gương và thú vị là chiếc gương cũng được tạo ra dưới hình dạng của biểu tượng này. Nó cũng là cảm hứng để tạo nên biểu tượng tượng trưng của vị thần Vệ Nữ của Hy Lạp, về sau được sử dụng rộng rãi như là biểu tượng của sao Kim, giới nữ hay kí hiệu của đồng.
Sau này khi Thiên chúa giáo ra đời, nó được Giáo hội cơ đốc Ai cập sử dụng làm biểu tượng như một dạng đặc biệt của hình tượng cây thánh giá.
Con mắt của Horus - Biểu tượng của trí tuệ, sự bảo vệ và sức khỏe
Con mắt Horus (hay mắt Ai Cập) - biểu tượng quyền lực của Ai Cập cổ đại - được nhiều người trên thế giới biết đến bởi nó được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Theo các chuyên gia, biểu tượng con mắt Horus có hình dáng giống như mắt của một chú chim ưng. Thần Horus là vị thần đại diện cho sức khỏe, sự sống và tái sinh.
Trong thần thoại Ai Cập, Horus là thiên thần của Ai Cập cổ đại hóa thân là chim ưng. Mắt phải chim ưng là Mắt của thần Horus, cũng được xem là tượng trưng cho Mặt Trời. Mắt trái tượng trưng cho Mặt Trăng và thần Tehuti. Người cổ đại tin rằng biểu tượng bất diệt này sẽ hỗ trợ việc tái kiếp, vì thế người ta đã tìm thấy biểu tượng này dưới lớp vải liệm thứ 12 của xác ướp vua Tutankhamun.
Theo truyền thuyết Ai Cập, Seth, anh trai của Horus, đã giết hại thần Osiris. Horus đã chiến đấu với Seth để trả thù cho cái chết của người cha và bị mất mắt trái của ông trong cuộc chiến. Thoth, vị thần của phép thuật và Mặt Trăng, đã sử dụng quyền năng của mình để khôi phục lại con mắt của Horus.
Khi đưa con mắt này ra trước Osiris, Osiris đã được tái sinh trở lại. Con mắt của Horus, cũng được gọi là "Oudjat", tượng trưng cho sự bảo vệ chống lại cái ác và đem đến trí tuệ, sự uyên bác.
Theo thời gian, biểu tượng con mắt Horus được các thầy thuốc sử dụng và phát triển nó thành ký tự Rx có trên các đơn thuốc. Do vậy, nó mang ý nghĩa cho sự phục hồi và tính thống nhất.
Vào thế kỉ thứ II, Galen đã vay mượn biểu tượng huyền bí từ trong truyền thuyết của người Ai Cập và sử dụng nó để gây ấn tượng với những bệnh nhân của mình. Sau đó, dần dần phát triển thành kí hiệu Rx ngày nay dành cho các toa thuốc. Nó mang ý nghĩa tượng trưng cho sự hồi phục và tính thống nhất.
Lông vũ của Maat - Biểu tượng của chân lý, đạo đức, cán cân công lý
Chiếc lông vũ được coi là vật tượng trưng của nữ thần Maat. Trái tim của người chết sẽ được đem ra cân để so với lông vũ của thần Matt trong Ngày phán xét cuối cùng.
Nếu đó là trái tim của một người thật thà, thì nó sẽ bằng trọng lượng với chiếc lông vũ và người đó sẽ được phép vào Vương quốc của Osiris. Còn nếu trái tim đó chất đầy với tội lỗi thì nó sẽ nặng hơn chiếc lông vũ và người đó sẽ bị đem đi làm mồi cho loài quái vật Ammut.
Phiên tòa Maat
Đó là trách nhiệm của các Pharaoh để thiết lập và duy trì luật Maat như là cách để giữ trật tự vũ trụ ở thế cân bằng. Khi một Pharaoh băng hà, Maat sẽ tạm thời biến mất và thế giới lại chìm trong sự hỗn mang, cho đến khi có sự lên ngôi của một vị Pharaoh mới.
Móc và néo - Biểu tượng của sức mạnh và quyền lực hoàng gia
Móc và néo thường đi với nhau như một cặp, được sử dụng phổ biến từ triều đại Middle Kingdom, là vật tượng trưng được sử dụng giống như quyền trượng khẳng định sức mạnh và quyền lực của nhà vua. Cặp đôi này có nguồn gốc từ vị thần nông nghiệp cổ đại của Ai Cập, Anedjti. Ông được miêu tả đội chiếc vương miện có gắn 2 chiếc lông vũ và tay cầm chiếc móc và néo đặc trưng.Về sau, Anedjti đồng hóa làm một với Osiris và mọi đặc trưng trong nhân dạng của vị thần này cũng được chuyển giao sang thần Osiris.
Chiếc móc được cầm bên tay trái còn chiếc néo được cầm bên tay phải. Chiếc móc (heq) tượng trưng cho tính âm hay "quyền lực về mặt tinh thần" của một Pharaoh, khẳng định vai trò như là người bảo vệ của dân hay là "shepherd"- Chúa trời chịu trách nhiệm lãnh đạo, chăm lo cho những "con chiên" của mình. Chiếc néo (nekhakha) tượng trưng cho tính dương và khía cạnh về quyền lực hữu hình vì Pharaoh là người trần nhưng đại diện cho tất cả các vị thần cai quản 3 cõi: siêu hình, vũ trụ và trái đất. Nó cũng đại diện cho người nông dân - người tạo ra lương thực và coi sóc mọi sự sống trên đồng ruộng (chiếc néo được sử dụng như dụng cụ đập lúa của người nông dân trong thời Ai Cập cổ xưa).
Thông điệp của nó như là một lời nhắc nhở một người lãnh đạo có tài năng thực sự phải biết kết hợp kỷ luật với trí tuệ và sự hiểu biết, phải có lòng nhân từ để hòa dịu công lý và đưa ra những phán quyết đúng đắn nhất. Tư thế cầm của chúng cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Thời xa xưa, tư thế bắt chéo hai cánh tay vào nhau trước ngực là biểu thị cái chết và người chết thường được chôn theo tư thế này. Tuy nhiên, cũng với tư thế này và với hai chiếc móc và néo được bắt chéo với nhau thì lại mang nghĩa là sự hồi sinh như trong các bức hình ta thường thấy ở quan tài của vua Tutankhamun. Còn khi cầm thẳng chúng ở trước mặt thì mang nghĩa là sự phán xét, hay được miêu tả gắn liền với thần Anubis, vị thần Cõi âm và là người phán xét trong phiên tòa Maat.
Người ta cho rằng, kí tự X có nguồn gốc chính từ hình ảnh hai chiếc néo và chiếc móc bắt chéo với nhau và đó là biểu tượng của cái chết và sự tái sinh. Trong nguyên gốc, từ "ex" - vốn là tượng trưng cho chữ X - mang nghĩa là đã chết, khi người ta nói ex-husband nghĩa là để ám chỉ người chồng đã mất.
Bọ hung - Biểu tượng của sức mạnh, sáng tạo và sự biến đổi
Bọ hung là đại diện cho thần mặt trời Khepri liên quan đến sự hồi sinh. Loài bọ hung thường đẻ trứng trong phân các loài vật khác, cuộn tròn chúng lại như viên bi và lăn vào trong lỗ, là sự khởi đầu trong vòng đời của một chú bọ hung con. Người Ai Cập ví tập tính này giống như sự chuyển động của "quả bóng" mặt trời lăn trên bầu trời và sự tái sinh hàng ngày của nó.
Những người Ai Cập cổ đại tin rằng, một con bọ hung bay trên bầu trời mỗi buổi sáng sẽ gọi mặt trời lên. Vì thế, con bọ hung là biểu tượng của mặt trời mọc, được sử dụng để bảo vệ khỏi quỷ dữ, nó còn là biểu tượng của sự tái sinh, sáng tạo, sự biến đổi, đem lại sức mạnh cho người đeo nó.
Bọ hung cánh lớn và bọ hung hình trái tim được coi là loài côn trùng may mắn và được đặt trên các xác ướp để bảo vệ họ chống lại ma quỷ. Khi Pharaoh Amenhotep III băng hà, hàng trăm vật kỉ niệm có hình bọ hung đã được làm để ghi dấu những cột mốc sự kiện trong cuộc đời của ông.
Hoa sen - Biểu tượng của Mặt trời, sự thanh cao, sức sáng tạo và sự tái sinh
Ai Cập có hai giống hoa sen bản địa sinh trưởng là loại sen trắng và sen xanh, sau này có thêm loại sen hồng được du nhập từ Ba Tư. Cả ba loại sen này đều được miêu tả trong nghệ thuật Ai cập nhưng giống sen xanh được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất. Theo thuyết sáng tạo của người Ai Cập, trong buổi sơ khai, có một bông hoa sen khổng lồ mọc lên trên đại dương của sự hỗn mang. Từ bông sen đó, mặt trời ló dạng lần đầu tiên trên Trái đất.
Búp sen vàng trong bông sen xanh làm người Ai cập liên tưởng đến Mặt trời mọc lên từ nơi mặt biển nguyên sơn như trong truyền thuyết về sự ra đời của vạn vật. Vào buổi đêm, bông hoa cụp cánh và chìm dưới mặt nước để rồi đến bình minh, nó lại nở bung rực rỡ. Các giống hoa màu xanh hay màu trắng được sử dụng rộng rãi trong các chế phẩm thuốc. Trong toán học, biểu tượng hoa sen tượng trưng cho con số 1.000. Nó cũng là biểu tượng của Thượng Ai Cập và đại diện cho sự phục sinh của Isis.
Uraeus: Biểu tượng hoàng gia
Uraeus được sử dụng như là biểu tượng của hoàng gia, vương quyền và thần thánh trong văn hóa của Ai Cập cổ đại.
Thông thường, Uraeus là hình tượng một con rắn hổ mang đang ngẩng cao đầu, và được gắn trên vương miện của các Pharaoh.
Uraeus là một con rắn hổ mang đang ngẩng cao đầu, được gắn trên vương miện của các Pharaoh.
Ngoài ra, Uraeus còn được coi là biểu tượng của nữ thần Wadjet, một trong những vị thần đầu tiên mang hình hài của loài rắn ở Ai Cập, người bảo trợ của vùng đồng bằng châu thổ sống Nile ở Hạ Ai Cập. Trong khi đó, nữ thần kền kền Nekhbet là vị thần đại diện cho vùng Thượng Ai Cập.
Điểm thú vị là hiện thân của cả hai nữ thần (rắn hổ mang và kền kền) sẽ cùng được xuất hiện trên vương miện của các pharaoh sau khi Ai Cập thống nhất.
Một trong những biểu tượng Uraeus nổi tiếng nhất được tìm thấy là biểu tượng con rắn bằng vàng trong lăng mộ của pharaoh Tutankhamun.
Bên cạnh việc sử dụng để trang trí, Uraeus còn được dùng như một món đồ trang sức, lá bùa hộ mệnh.
Trong ngôn ngữ Ai Cập cổ, biểu tượng uraeus cũng được sử dụng để trang trí trong các từ tượng hình mô tả "lăng mộ, đền thờ" hay "công trình".
Biểu tượng Uraeus nổi tiếng nhất thuộc về pharaoh Senusret II - vị vua thứ tư của Vương triều thứ 12, được tìm thấy tại kim tự tháp Senusret II, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cairo. Con rắn của ông được làm hoàn toàn từ vàng nguyên chất, dài 6,7cm. Mắt của nó được đính bằng đá granite đen, phần đầu được làm bằng ngọc lưu ly màu xanh biếc, phần mang bành ra của nó được khảm đá carnelian sậm và ngọc lam.
Ngày nay, hình tượng Uraeus xuất hiện khá nhiều trong văn hóa đại chúng, trong các lĩnh vực nghệ thuật, thời trang, thủ công mỹ nghệ…
Djed: Gắn liền với nghi lễ đặc biệt
Djed được coi là một trong những biểu tượng quan trọng, thiêng liêng và cổ xưa nhất của văn hóa Ai Cập cổ đại. Tượng trưng cho sự ổn định, phục sinh, Djed gắn liền với Osiris, được coi là vị thần của thế giới bên kia, người cai quản âm phủ.
Bức vẽ trên tường về nghi lễ Djed của người Ai Cập thời cổ đại.
Biểu tượng Djed có hình dạng giống như một trục thẳng đứng với khoảng 3 thanh ngang trở lên, đóng vai trò quan trọng đối với người Ai Cập cổ đại.
Thời xa xưa ở Ai Cập, người ta còn tiến hành một nghi lễ gọi là "dựng Djed", thường được Pharaoh tổ chức trùng với thời gian bắt đầu mùa vụ trong năm.
Nghi lễ đặc biệt này diễn ra nhằm tưởng nhớ thần Osiris, đại diện cho sự phục sinh của ngài, đồng thời cho thấy sức mạnh và sự vững chắc của Pharaoh.
Bên cạnh đó, người ta còn phát hiện biểu tượng Djed trên những bản khắc chữ tượng hình, ở trên áo quan mang ý nghĩa phục sinh và nhiều công trình kiến trúc cổ.
- Vì sao đất nước nhỏ bé, nhiều người mẫu, hoa hậu bậc nhất nhưng phụ nữ tại đây lại cực khó lấy được chồng?
- Thiên thạch xóa sổ khủng long tạo ra cơn sóng cao 1,5km, mạnh gấp 30.000 lần trận sóng thần mạnh nhất lịch sử
- Những thói quen hàng ngày gây hại cho sức khỏe mà 90% mọi người đều mắc nhưng cứ nghĩ mình làm đúng