Mặc dù đất đai bao la, nhưng chẳng biết trồng cây gì cho hiệu quả cao, nên sau khi lập gia đình chị Trần Thị Nguyệt (sinh năm 1974, thôn Vĩ Xá), hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thủy Bằng phải đi làm thuê làm mướn nuôi con ăn học. Khi được Hội LHPN xã vận động phát triển kinh tế vườn đồi, được tiếp cận với khoa học công nghệ, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và được vay vốn ưu đãi, chị Nguyệt đã cải tạo những diện tích đất vườn của gia đình để trồng cây ăn quả.
Để có nguồn thu, bên cạnh trồng những cây lâu năm như thanh trà, bưởi da xanh, măng cụt, mít...., chị Nguyệt trồng thêm cây ngắn ngày như: Đu đủ, chuối, ớt và chăn nuôi lợn, gà, bò... Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng từng khoảng đất trống, cứ thế vườn tược của chị Nguyệt ngày càng xanh tốt, cho năng suất cao.
“Để cây xanh tốt, cho năng suất, ngoài việc tưới đủ nước, tôi chủ yếu bón phân cho cây bằng phân chuồng hoai mục, phân vi sinh. Đó cũng là biện pháp để cải tạo, tăng độ tơi xốp cho đất. Khi mới bắt tay vào trồng trọt cũng vất vả trăm bề, bởi không phải trồng cây là có nguồn thu liền, mà muốn ổn định cũng phải mất ít nhất 5 năm. Mới đầu chủ yếu hai vợ chồng làm để tiết kiệm tiền thuê nhân công, nhưng sau những lứa thu đầu tiên có lãi, tôi bắt đầu mua thêm đất vườn để trồng thêm thanh trà và bưởi da xanh. Đến nay, vườn của tôi đã có trên 1.000 gốc thanh trà, bưởi da xanh. Tôi cũng đang trồng thêm măng cụt, mít thái...”, chị Nguyệt chia sẻ.
Từ mảnh vườn của gia đình ban đầu, giờ đây chị Nguyệt đã có 7 vườn trồng cây ăn quả, trừ chi phí cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Mặc dù chồng ốm đau, con cái đi học xa nhà nhưng mảnh vườn hơn 1 mẫu của chị Hoàng Thị Quyên (sinh năm 1969), thôn Tân Ba, xã Thủy Bằng luôn xanh tốt với đủ loại rau và cây ăn quả.
Vào nhà không thấy chị Quyên, chúng tôi vội đi ra sau vườn tìm. Thấy chúng tôi, chị Quyên bỏ vội cuốc niềm nở chia sẻ: “Tôi đang ủ nốt mớ phân vi sinh để bón rau. Từ khi được Hội LHPN xã tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ men để ủ phân bón cây, năng suất tăng hẳn. Ai cũng biết tôi trồng rau không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu nên rau bán đắt hàng lắm, trồng được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”. Nói rồi chị chỉ tay vào luống rau khoai, rau bí xanh mơn mởn đang độ thu hoạch để minh chứng.
Chưa hết mê mẩn, tấm tắc khen những vườn rau xanh tốt của chị Quyên, khi được dẫn sang vườn cây ăn quả, nhìn những gốc cây được dọn sạch sẽ, vun xới cẩn thận mới biết được sự siêng năng, chăm chút của chị Quyên với mảnh vườn của mình.
“Vườn rộng, làm một mình cũng khá vất vả, nhưng cứ khỏe là làm, mệt thì nghỉ. Hơn nữa, đối với những người trồng cây, thì ngày thu hoạch chính là động lực. Nhìn những luống rau xanh tốt, những cây bưởi, thanh trà, ổi trĩu quả tôi lại quên đi mệt mỏi. Mảnh vườn này đã giúp tôi nuôi con cái học hành tới nơi tới chốn. Hơn nữa, biết hoàn cảnh gia đình tôi, nên Hội LHPN xã luôn quan tâm, giúp đỡ, từ tinh thần đến vật chất. Đó cũng là động lực để tôi vươn lên, có cuộc sống ổn định như hôm nay”, chị Quyên bộc bạch.
Là phụ nữ, nhưng chân chẳng yếu, tay chẳng mềm, những người như chị Nguyệt, chị Quyên... sẵn sàng chinh phục cả những vùng gò đồi, biến đất sỏi khô cằn thành những vườn cây trái bạt ngàn xanh tươi, tự làm chủ cuộc sống, kinh tế gia đình, nuôi con ăn học thành tài.
Bà Hoàng Thị Nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã Thủy Bằng cho biết: Hầu như tất cả hội viên HLHPN xã đều có lợi thế diện tích đất vườn rộng, nên Hội LHPN xã đã vận động chị em phát triển kinh tế gia đình từ trồng trọt, chăn nuôi, nhất là trồng cây ăn quả như thanh trà, bưởi da xanh, mít... Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện để hội viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Hội LHPN xã cũng thường xuyên hướng dẫn, mở các đợt tập huấn cho hội viên kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách ủ phân vi sinh để tiết kiệm chi phí, cải tạo đất để chăn nuôi, trồng trọt theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.