Gió phơn là loại gió vượt núi, tính chất khô nóng. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể về loại gió này, cũng như ảnh hưởng của gió phơn tới sản xuất và đời sống.
1. Cơ chế hoạt động của gió phơn:
- Khi gió mát và ẩm thổi tới một dãy núi và bị chặn lại ở sườn đón gió, không khí ẩm bị đẩy lên cao và giảm nhiệt độ theo tiêu chuẩn của khối khí ẩm lên núi (khi lên cao, nhiệt độ không khí giảm 0,6 độ C/100m). Vì nhiệt độ hạ, hơi nước ngưng tụ, hình thành mây, gây mưa bên sườn đón gió.
- Khi không khí vượt sang sườn bên kia (sườn khuất gió), hơi nước đã giảm nhiều, nhiệt độ tăng lên theo tiêu chuẩn của khối khí khô xuống núi (khi xuống thấp, nhiệt độ không khí tăng 1 độ C/100m) nên sườn khuất gió có gió khô nóng.
2. Đặc điểm của phơn ở Việt Nam:
* Nguồn gốc: Bản chất là gió tây nam từ vịnh Ben-gan (áp cao Bắc Ấn Độ Dương) thổi đến bị biến tính, trở nên khô nóng khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi khác chạy dọc biên giới Việt - Lào.
* Hướng gió: Gió chủ yếu thổi theo hướng tây nam, hướng tây.
* Tính chất: Gió phơn có tính chất là khô và nóng, đem đến nền nhiệt độ cao, không mưa, độ ẩm tương đối giảm thấp.
* Thời gian hoạt động: Gió phơn xuất hiện chủ yếu vào đầu mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 7). Gió thổi từng đợt, kéo dài 2 - 3 ngày, có khi tới hơn 15 ngày. Cường độ gió mạnh nhất vào buổi trưa đến buổi chiều (từ 11 giờ đến 15 giờ).
* Phạm vi ảnh hưởng: Gió tác động chủ yếu đến ven biển Trung Bộ và phía nam khu vực Tây Bắc. Trong đó, Bắc Trung Bộ là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió phơn.
* Tác động đến khí hậu:
- Gây ra thời tiết nắng nóng, khô hạn, mưa rất ít, độ ẩm tương đối giảm thấp, trời quang mây. Một nơi được xác định có gió phơn hoạt động khi tại nơi đó, vào lúc 13h00, nhiệt độ không khí đo được trên 34 độ C và độ ẩm tương đối thấp dưới 65%.
- Gió phơn tây nam khiến cho đầu mùa hạ Trung Bộ có mưa ít, đẩy mùa mưa ở đây lệch về thời kì thu - đông.
3. Gió phơn hoạt động mạnh nhất ở Bắc Trung Bộ:
Bắc Trung Bộ là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển gió phơn, gồm hoàn lưu khí quyển, địa hình và bề mặt đệm.
* Hoàn lưu khí quyển:
- Vào đầu mùa hạ, gió tây nam từ vịnh Ben-gan hoạt động mạnh nhưng có tầng ẩm mỏng (bề dày từ mặt đất đến độ cao 4-5 km), thổi vượt dãy Trường Sơn Bắc gây hiệu ứng phơn khô nóng cho ven biển Bắc Trung Bộ. Giữa và cuối mùa hạ, gió mùa Tây Nam có tầng ẩm rất dày nên không gây hiệu ứng phơn.
- Hạ áp Bắc Bộ phát triển mạnh, khơi sâu, hút gió từ phía tây tạo thuận lợi cho gió tây nam vượt núi.
* Địa hình:
- Phần lớn diện tích Bắc Trung Bộ là đồi núi, phía tây là khu vực Trường Sơn Bắc với nhiều dãy núi chạy song song và so le theo hướng tây bắc - đông nam, vuông góc với hướng gió thổi đến.
- Nhiều dãy núi, đỉnh núi cao trên 2000m chạy dọc biên giới Việt - Lào làm tăng cường sự biến tính của gió vượt núi.
* Bề mặt đệm:
- Ven biển Bắc Trung Bộ chủ yếu là đất cát pha, có khả năng bị đốt nóng nhanh và bốc hơi mạnh.
- Thảm thực vật nghèo nàn, kém phát triển làm tăng cường tính chất khô nóng của gió phơn.
4. Ảnh hưởng của phơn đến đời sống và sản xuất:
- Ảnh hưởng tiêu cực: thời tiết hanh khô, độ ẩm tương đối giảm thấp, nóng bức, gây hạn hán, nứt nẻ ruộng đồng, dễ gây cháy rừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người, làm giảm tuổi thọ các công trình xây dựng,…
- Ảnh hưởng tích cực: tạo điều kiện thuận lợi để phơi sấy và bảo quản nông sản, phát triển năng lượng Mặt Trời, sản xuất muối,…
____
Dương Phương - Địa lí thầy Tùng.
Bài viết thuộc Phòng Chuyên môn của Địa lí thầy Tùng. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý.
Link nội dung: https://getairvestal.com/co-che-va-mot-so-dac-diem-ve-phon-o-viet-nam-a13335.html