Nâng cao hiệu quả ngành xay xát, chế biến lương thực

Không giấu được vẻ phấn khởi khi chiếc máy tách phát huy hiệu quả, bà Hen hớn hở khoe: “Cơ sở chúng tôi xay xát đủ loại gạo, nhưng chủ lực là nếp than. Trước đây, chúng tôi có đầu tư máy tách màu nhưng công suất khá thấp, hoạt động không hiệu quả. Được kinh phí khuyến công hỗ trợ 120 triệu đồng, tôi bàn với gia đình đối ứng thêm hơn 290 triệu đồng để mua máy tách màu mới”. Theo bà Hen, nếu cơ sở tự đầu tư toàn bộ máy móc thì giá tiền tương đối lớn. Việc hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn khuyến công đã giúp cơ sở giảm áp lực về tài chính trong kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả ngành xay xát, chế biến lương thực

Việc đầu tư máy tách màu đã giúp bà Ký Thị Hen - chủ cơ sở gia công xay xát và mua bán lúa gạo ở Phường 7 (TP. Sóc Trăng) nâng cao chất lượng gạo của cơ sở.

Chiếc máy tách màu gạo mà gia đình bà Hen đầu tư có công suất hoạt động từ 0,8 - 4,4 tấn/giờ, tạo ra chất lượng gạo thành phẩm tốt. Sau khi qua tách màu, gạo nếp than đã loại được tạp chất rất nhiều, bán được giá cao hơn. Chiếc máy này còn tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành hơn so với thiết bị cũ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; đồng thời cơ sở cũng giải quyết việc làm cho 10 lao động của địa phương, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng và hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Sóc Trăng có hơn 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm khoảng 23.810 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp”. Theo Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sóc Trăng Huỳnh Hoài Nam, thời gian qua, nguồn vốn khuyến công đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đầu tư mới các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiết kiệm nguồn lao động.

Đối với nhóm ngành xay xát, chế biến lương thực, từ năm 2015 - 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 2 đề án, với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng; trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 249 triệu đồng, số còn lại do doanh nghiệp đối ứng. Trong 2 cơ sở thuộc nhóm ngành xay xát, chế biến lương thực của giai đoạn này, có 1 cơ sở mới đầu tư, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và 1 cơ sở đầu tư thay thế máy móc thiết bị mới, giúp tăng năng suất sản xuất khoảng 30%; đồng thời giải quyết khó khăn cho nông dân tại địa phương do phải vận chuyển lúa gạo xa để xay xát, góp phần hạn chế hao hụt sản phẩm sau thu hoạch.

Theo định hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, TP. Sóc Trăng sẽ ưu tiên đầu tư đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Do đó, việc hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn khuyến công sẽ giúp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung ngày càng có những bước phát triển tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh nhà.

Hải Hà

Link nội dung: https://getairvestal.com/nang-cao-hieu-qua-nganh-xay-xat-che-bien-luong-thuc-a13405.html