Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác, khoảng 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) sẽ bị ngập gây ảnh hưởng tới hàng triệu hộ dân; tình trạng xâm nhập mặn (XNM) cũng làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể, năng suất lúa của vụ Xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ Đông có xu hướng tăng ở ĐBSH. Ngoài ra, do gần đây các cơn bão có diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những cơn “siêu bão” gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân đánh bắt trên biển, tàn phá các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê điều, gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, cây trái và mùa màng tại vùng ĐBSH. Trong 10 năm trở lại đây, lưu vực sông Hồng xuất hiện một số vấn đề, như: Ở miền núi lũ quét, sạt lở đất diễn ra khá nghiêm trọng và liên tục nhiều năm, úng ngập ở vùng đồng bằng cũng xảy ra ở một số năm do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có mưa cực đoan.
Nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Hạn hán gay gắt, lũ lụt kéo dài, mưa bão ngày càng nhiều với cường độ ác liệt hơn,… xảy ra trên diện rộng trong vùng ĐBSH. Mực nước biển dâng làm hệ thống đê sông, đê biển và hệ thống hồ chứa bị đe dọa, chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi gây xói lở bờ, giảm khả năng tiêu tự chảy. Diện tích và thời gian ngập úng tăng lên tại nhiều khu vực, nhiều hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu tiêu, cũng như cấp nước ở vùng ĐBSH. Vùng có hai hệ thống sông lớn, sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình nên nguồn nước rất phong phú. Tuy nhiên, tình trạng quá thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô xảy ra thường xuyên hằng năm. Những năm gần đây, hạn hán, thiếu nước dùng xảy ra liên tục trên diện rộng. Tình hình khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt ở đây đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân và môi trường.
Như vậy, có thể thấy rằng hạn hán của vùng ĐBSH phụ thuộc rất lớn vào mực nước của hệ thống sông chính. Mực nước trên dòng chính sông Hồng có xu hướng cạn kiệt do nhiều nguyên nhân, nhưng có một phần là do phát triển các hệ thống thủy lợi, thủy điện và các công trình khai thác nguồn nước trong lưu vực và đặc biệt quan trọng là công tác quản lý vận hành, sự phối hợp giữa các ngành sử dụng nước phục vụ đa mục tiêu chưa chặt chẽ dẫn đến tranh chấp nguồn nước trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, đặc biệt là nhu cầu nước cho phát điện với sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy và môi trường trong lưu vực. Do sự hạ thấp mực nước trên sông ở hạ du, mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, các công trình lấy nước dọc sông không hoạt động được. Đây là những ảnh hưởng do điều tiết của các công trình thủy điện ở phía thượng du, sự hoạt động của các công trình này đã tác động rất lớn theo chiều hướng bất lợi đến tài nguyên nước (cả về trữ lượng và chất lượng nước) ở vùng hạ du.
Một số giải pháp thích ứng
Để phát triển bền vững, vùng ĐBSH, trong xây dựng quy hoạch phát triển KT-XH cần chú ý việc giảm nhẹ và phòng chống, thích nghi với tác hại do BĐKH gây ra. Tích cực nâng cao các tiêu chuẩn phòng chống lũ nhằm hướng tới phát triển bền vững; nâng cấp hệ thống đê điều bảo vệ sông Hồng; tiến hành việc giám sát chặt chẽ và ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra với hệ thống đê điều. Thực hiện lồng ghép nhiệm vụ quản lý rủi ro với nhiệm vụ ứng phó BĐKH với các ban, ngành phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở các cấp,…Với ĐBSH, chúng ta đã hình thành nên các giải pháp ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với lũ từ bao đời nay, hệ thống đê điều ngày càng tốt. Bên cạnh đó, các hồ chứa lớn trên lưu vực nằm trong lãnh thổ Việt Nam có dung tích khá lớn: Hồ Hoà Bình, hồ Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu,…Chủ động được trong phòng lũ, cộng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay trong dự báo, khả năng ứng phó với lũ ở ĐBSH ngày càng tốt hơn. Hệ thống bơm lớn, kênh tiêu đã được hình thành, nâng cao năng lực phòng chống lũ cho vùng đồng bằng. Nâng cao năng lực dự báo KTTV giúp vận hành các hệ thống hồ, đập lớn xả và trữ lũ tốt hơn. Tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, đặc biệt là bảo vệ lớp phủ của rừng để nó tiếp tục nâng cao năng lực trữ nước, làm giảm lũ, nhưng tăng lượng nước trong mùa khô, tức là giảm hạn hán.
Trồng nhiều cây xanh là một trong những biện pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế năng động, nếu không có giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu những tác hại thì hậu quả rất khó lường. Sản xuất nông nghiệp xanh được nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSH quan tâm thực hiện thông qua một số mô hình. Các tỉnh vùng ĐBSH chú trọng phát triển nông nghiệp ven đô để cung cấp sản phẩm cho Thủ đô và các vùng đô thị lân cận, nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng hoa, rau màu, cây ăn quả và các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao (Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên,…). Hầu hết các tỉnh vùng ĐBSH (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình,…) đi đầu cả nước trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trên những “bờ xôi, ruộng mật” chuyên trồng lúa trước đây ở các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh,… đã hình thành các cánh đồng ứng dụng công nghệ cao, cho ra đời những sản phẩm sạch, chất lượng cao, tạo doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, hộ dân chủ động nghiên cứu, áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi cá bằng phương pháp sống trong ao tại Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên; mô hình trồng rau theo công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại nhiều tỉnh; mô hình lúa, rươi ở Quảng Ninh; mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở Bắc Ninh; mô hình nuôi tôm trong bể tại Nam Định,… Chuyển đổi từ nền nông nghiệp sử dụng hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm tiêu dùng sạch, dinh dưỡng tốt, thân thiện với môi trường. Tại vùng ĐBSH một số tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình sản xuất NNHC, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dung. Tăng cường các biện pháp quản lý, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường khả năng dự trữ, hấp thụ các-bon trong các bể chứa hệ sinh thái; tránh phát thải bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học từ cây trồng và phụ phẩm nông nghiệp để giảm phát thải KNK trong nông nghiệp. Đối với giảm phát thải KNK, trong lĩnh vực sản xuất lúa nước, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng nông nghiệp theo hướng lồng ghép kỹ thuật canh tác giảm phát thải.
Cuối tháng 11/2022, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, để tạo được chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của Vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị tiếp tục xác định: ĐBSH là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh, bền vững Vùng là trách nhiệm của các địa phương trong Vùng và toàn hệ thống chính trị. Cần phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội của Vùng; phát huy thật tốt vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển Vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược biển, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và thể chế điều phối phát triển Vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội của Vùng. Phát huy vai trò và khai thác có hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị.
Phát huy mạnh hơn nữa truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng rất vẻ vang của cha ông để phát triển hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế, đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm công bằng xã hội. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Phương Đông
Link nội dung: https://getairvestal.com/dong-bang-song-hong-chu-dong-giai-phap-thich-ung-bien-doi-khi-hau-a13472.html