Rắn - những đối sánh biểu tượng!

Xuất phát từ đời sống thực, hình tượng con rắn trườn bò uốn lượn vào văn hóa nhân loại để rồi trở thành một trong những cổ mẫu giàu ý nghĩa nhất, mang đặc tính đa dạng của loài: có thể cắn chết người nhưng lại cứu giúp người (nọc độc được chiết xuất làm thuốc chữa bệnh, góp phần tạo cân bằng sinh thái loại trừ loài chuột đáng ghét…).

Bản chất văn hóa là đa dạng, ở mỗi vùng, chịu sự quy định của quy luật khúc xạ văn hóa, biểu tượng đa nghĩa này lại ánh lên những lớp ý nghĩa đối cực, tốt và xấu, sự sống và cái chết, hủy diệt và tái sinh, dục vọng và tội lỗi… Tất nhiên có những điểm chung thú vị.

Ở hầu hết mọi ngôn ngữ có "rắn" đều được dùng thêm nghĩa bóng để chỉ những nét tính cách xấu, ví như trong tiếng Pháp, từ "serpent" nghĩa là con rắn, cũng để chỉ loại người nham hiểm. Thành ngữ Việt có câu "Cõng rắn cắn gà nhà" chỉ loại Việt gian bán nước, cúi đầu làm đầy tớ cho giặc cướp nước...

Tượng Đức Phật đản sinh được rắn tắm!

Là linh vật, trở thành vật tổ (tôtem) ở nhiều nơi vì nét nghĩa chung ngoài đời là rắn sống ở hầu hết mọi nơi, trên núi, dưới biển, sa mạc, rừng rú, trên cây, dưới đất có đủ các kích cỡ, màu sắc, … Hình dạng và đặc trưng di chuyển dễ hình dung với những con sông uốn lượn (nhìn từ trên cao). Loài rắn hổ mang lại hay phát ra tiếng gió "phì phì" được gắn với ý nghĩa biểu trưng cho bão tố. Lưỡi rắn được gắn với hình ảnh tia chớp, biểu hiện sớm của cơn mưa. Màu sắc và các sọc của rắn được gắn với hình ảnh cầu vồng...

Có đặc tính thay da gần gũi với biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử. Có thể vì lẽ này mà các Pharaong Ai Cập thường mang trên mình hình ảnh rắn với mong muốn được bất tử. Ngày nay vẫn còn nặng quan niệm rượu rắn sẽ giúp khỏe khoắn, dẻo dai (cho cánh đàn ông). Là loài vật xa cách với con người luôn mang đến sự ngạc nhiên, bí ẩn, vì thế lại càng kích thích sự khám phá, tưởng tượng. Thời nguyên thủy, vì không đủ tri thức để giải thích, cũng vì sợ nên con người thần thánh hóa mà cầu cúng nên rắn càng trở nên hoang đường có phần kỳ bí. Rắn đi vào tôn giáo, tín ngưỡng như một tất yếu.

Thuộc vùng văn minh sông nước nên người Việt coi rắn như một thủy thần, thậm chí nâng lên thành vật tổ. Nhiều nghiên cứu chứng minh thuyết phục dấu vết của tục thờ vật tổ rắn ở nhiều nơi nước ta. Mô-típ rắn xanh được nhắc đến nhiều lần không chỉ trong văn hóa người Kinh mà có ở nhiều cộng đồng dân tộc khác. Con rồng không có thật, chỉ là sự cách điệu, tổng hợp từ hình ảnh con rắn và cá sấu mà thành. Chùm thần thoại Lạc Việt cũng coi rắn là vật tổ, Lạc Long Quân thuộc họ rồng nên có tục thờ giao long. Người dân xăm hình "giao long" có thể mang ý nghĩa tôn sùng tổ tiên mong tổ tiên luôn đi cùng để phù hộ, giúp đỡ, mọi lúc, mọi nơi… Có nhiều truyền thuyết kể rắn là con nuôi, là mẹ, là vợ, là chồng của người.

Chùm sự tích về Chu Văn An kể học trò của ông là một thủy thần - một con "giao long" đội lốt học trò. Có một chàng trai trẻ vẻ ngoài tuấn tú đến xin học, thầy Chu Văn An nghe trò nói về "tiểu sử" liền bảo rằng đã hiếu học thì ai cũng có thể học. Bạn đồng môn lại thấy người này từ đầm Lân Đàm đi đến trường. Một hôm nhìn thấy trên chỏm đầu anh ta có cánh bèo tấm, nên càng băn khoăn. Năm ấy trời làm đại hạn, thầy Chu hỏi trò ai có cách gì giúp dân, trò thủy thần thưa: "Trái lệnh thiên đình sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm". Người ấy lấy hai nghiên mực một đen, một đỏ và bút lông, mài mực đầy nghiên, ngửa mặt đọc chú, cầm bút chấm mực vẩy lên trời. Lập tức, mực đỏ vung lên thành sấm chớp, mực đen vung lên thì mây đen kéo đến, mưa rơi tầm tã, nước đen như mực. Ẩn đằng sau hành động ấy là dấu vết một phương thuật cầu mưa: vẩy nước lên trời mô phỏng mưa. Ở đây có sự biến hóa: nghiên mực thay cho bát nước, bút lông thay cho "cành phan"…

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có thờ Quan ngũ hổ và Quan xà thần là hai loài vật được tôn kính, đại diện cho sức mạnh (hổ) sự dẻo dai, linh hoạt (rắn) trong hệ thống thần linh tứ phủ. Hai vị thần rắn được gọi là Ông Lốt, một màu xanh lá cây (thanh xà đại tướng), một màu trắng (bạch xà đại tướng). Hai "vị" này thường nằm vắt ngang xà nhà của điện thờ, có nhiệm vụ bảo vệ, trừ tà, diệt quỷ, canh giữ âm binh đường thủy... Tục thờ rắn như thủy thần ở một đền miếu riêng còn phổ biến ở trên khắp mọi miền đất nước. Thờ rắn vì rắn bảo vệ (đền thờ Rắn ở xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy - Thanh Hóa với quan niệm rắn bảo vệ dòng suối có nhiều cá; ở một vài tỉnh đồng bằng Nam bộ có những ngôi đình thờ rắn…), vì rắn giúp mưa thuận gió hòa (xã Thủy Phù, Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có bàn thờ rắn, tương truyền "các ngài" là con của thần Gió)…

Rắn trong đạo Phật được "thiêng hóa". Tương truyền hoàng hậu Maya hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tì Ni được một vua rắn Naga chín đầu phun nước tắm... Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang chúa, cũng có nghĩa là hủy bỏ mọi tội ác, có nguồn gốc từ Hindu giáo với quan niệm rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Do vậy Naga là biểu trưng cho sự thịnh vượng.

Ngoài ra linh vật này còn mang ý nghĩa là sự kết nối giữa cõi nhân gian và thiên giới. Hình tượng rắn Naga từ Hindu giáo tiếp biến vào Phật giáo rồi truyền sang Phật giáo Nam tông ở ta (các chùa Khmer Nam bộ) tượng trưng cho Shiva - vị thần của sự hủy diệt. Naga cuộn tròn lấy cái gốc của trục thế gian, biểu trưng cho sự sinh thành, phát triển và hủy diệt, nâng đỡ và ổn định thế giới. Rắn Naga có 3 đầu (tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân), 5 đầu (tức kim, mộc, thủy, thổ, hỏa), 6 đầu (biểu trưng cho phái nữ, thể xác và sự chết chóc), 7 đầu (đắc đạo)...

Hình ảnh minh họa “vườn địa đàng”!

Huyền thoại về rắn mạnh đến nỗi chi phối cả biểu tượng quốc gia. Người dân Campuchia tin rằng vương quốc Khmer do vua rắn sáng lập nên con đường dẫn đến ngôi đền chính tại Ankhor Wat được khảm nhiều Naga bảy đầu, được tạc trên tường đá. Trong tín ngưỡng người Syria, rắn sẽ cắn chết những kẻ xâm lược và bảo vệ dân chúng khỏi hiểm nguy bệnh tật nên xem rắn như một vị thần phù trợ được thờ ở các đền thờ thiêng…

Từ thực tế rắn tự lột da để sống khỏe mạnh, trẻ trung hơn, người Hy Lạp tin rắn có bí quyết trường sinh bất tử nên coi rắn là biểu tượng của đất và nước. Loại nữ trang cổ Hy Lạp thông dụng nhất mang hình rắn khoanh tròn. Thần Zeus - vị thần tối cao, mùa xuân đến thần sẽ xuất hiện dưới dạng một con rắn cùng với nữ thần cai quản trái đất Rhea cũng mang hình rắn. Thần Chữa bệnh của người Hy Lạp tên là Asklepios được biểu tượng bằng con rắn. Con rắn cuốn trên chiếc gậy là biểu tượng của ngành y. Con rắn cuốn trên chiếc ly có chân, đầu hướng vào miệng ly, là biểu tượng của ngành dược…

Do Thái là tôn giáo đầu tiên cho rắn đội lốt quỷ Satan đến cám dỗ con người ăn trái cây "biết lành biết dữ". Ngoài "Kinh Thánh" ra còn rất nhiều thần thoại khác về rắn đã được lưu hành trước đó rất lâu. Thần thoại Gilgamesh ở xứ Sumeria kể vua Utnaphistim tìm được một loài cây trường sinh, chưa kịp ăn quả thì có một con rắn đã đánh cắp cây quý. Tích này tiếp biến vào sự tích Satan hóa thân con rắn đến cám dỗ Eva nên loài người mất cơ hội trường sinh. Truyền thuyết Kito giáo kể quỷ Satan đội lốt rắn đem "trái cấm" đến dụ dỗ con người.

Chung quanh huyền tích này có những cách hiểu khá thú vị. Từ góc nhìn ẩn dụ phân tâm học có cách hiểu cho rằng "vườn địa đàng" biểu tượng cho tuổi thơ trong vắt, thánh thiện. Giai đoạn "Ađam và Evà bị cám dỗ" biểu trưng cho những khủng hoảng phá phách, thể hiện cái tôi trong tuổi dậy thì ưa tự do, hay chống đối người lớn. Tuổi này đam mê, bồng bột, dễ bị quyến rũ, dễ sa ngã vào tính dục.

Giai đoạn "sống ngoài vườn địa đàng" biểu trưng cho sự trưởng thành, có trách nhiệm trong việc lập thân. Đàn ông phải kiếm sống nuôi gia đình, đàn bà phải mang nặng đẻ đau. Họ phải vượt mọi vất vả để tạo dựng mái ấm gia đình riêng. Vườn địa đàng có thiên thần "cầm gươm đứng gác cửa" biểu trưng cho sự ngăn chặn trốn chạy trách nhiệm. Như vậy, "trái cấm" là bước ngoặt trong đời bất cứ ai. Thì ra đó là câu chuyện về cuộc đời một con người, thế nên "trái cấm" còn có tên gọi khác là trái của cây "biết lành biết dữ". Hiểu vậy thì con người phải cảm ơn rắn đã khơi mở ra cho họ một trang đời mới luôn song hành những đối cực!

Link nội dung: https://getairvestal.com/ran-nhung-doi-sanh-bieu-tuong-a13661.html