Chất lượng lao động - điểm nghẽn phải tháo gỡ

Chất lượng lao động - điểm nghẽn phải tháo gỡ
Tỉ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam và các nước có thu nhập trung bình. Nguồn TCTK

Bức tranh chất lượng lao động

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” vừa diễn ra, đại diện Ngân hàng thế giới đã đưa ra vấn đề rất nóng đối với thị trường lao động Việt Nam.

Đại diện WB cho rằng: Hãy nhìn vào bối cảnh hiện tại. Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.

Năm 2019 đã có cuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam, cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. 73% doanh nghiệp có báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này cho thấy có khoảng cách lớn giữa cung và cầu lao động Việt Nam.

Điều tra việc làm Việt Nam 2020 cho thấy việc làm đơn giản ngày càng giảm và việc làm trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng cao và chuyên sâu hơn.

Ở góc nhìn khác, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đưa ra con số: Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 và các biến động của chính trị quốc tế.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.

Giải cơn khát cho nhân lực ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ

Thực tế một số doanh nghiệp làm khá tốt vấn đề đầu tư chất lượng lao động tại chỗ. Điển hình như THACO, từ năm 2010, THACO đã thành lập trường Cao đẳng nghề để chủ động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng các ngành nghề: Công nghệ ôtô, điện cơ khí, điện công nghiệp, bảo trì thiết bị cơ điện, công nghệ thực phẩm… với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm.

Đến nay, THACO đã đào tạo trên 2.500 trình độ cao đẳng, 2.000 nhân sự sơ cấp, trung cấp, 200 kỹ sư thực hành. Học viên trường Cao đẳng THACO được miễn học phí, được thực tập trên dây chuyền sản xuất tại các nhà máy, vừa học vừa làm có lương, được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Thời gian tới sẽ thành lập thêm các trung tâm đào tạo, thành lập trường đại học THACO để nâng cấp đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho hay: Doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Trong đó, dệt may luôn nằm trong top đầu ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỉ USD, cũng là ngành có số lượng lao động lớn. Tuy nhiên, phần lớn số lao động trong ngành dệt may hiện nay là lao động phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải hay thiết kế sản phẩm đang thiếu và yếu. Khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng thì đây là thách thức cho ngành trong quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá. Đặc biệt với phân ngành hỗ trợ như sản xuất nguyên vật liệu.

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về việc nâng chất lượng lao động. Thủ tướng đưa ra đưa ra nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu “đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới”.

Thủ tướng cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động, chú trọng đào tạo cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ dành khoảng 2.000 tỉ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề và dự kiến sẽ bố trí thêm. Chủ trương của Chính phủ là không tiếc kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

Trong sự phát triển chung của công nghiệp thì công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng và chỉ có thể phát triển nếu giải được bài toán về chất lượng lao động.

Link nội dung: https://getairvestal.com/chat-luong-lao-dong-diem-nghen-phai-thao-go-a13689.html