Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công điện nêu, theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm ngày 6/9, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Từ ngày 7/9, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100 - 350mm, cục bộ có nơi trên 500 mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86 ngày 3/9 và số 87 ngày 5/9, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực công tác được phân công, trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện Công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đột xuất, phát sinh.
* Quân đội huy động hàng nghìn người giúp dân gặt lúa, chằng chống nhà cửa
Bộ đội Biên phòng TP Hải phòng kêu gọi tàu thuyền thực hiện tránh trú bão. (Ảnh: QĐND)Trước dự báo bão số 3 có sức tàn phá mạnh, quân đội đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ các địa phương hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão.
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các địa phương huy động trên 1.500 cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân gặt lúa để giảm thiểu thiệt hại.
Tại Nghệ An và Thanh Hóa, Bộ Tư lệnh Quân khu cũng tổ chức kiểm tra các âu tàu, nơi tàu thuyền tránh bão. Những vị trí dự báo bão gây ảnh hưởng đã được huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân phát quang cây cối, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản; thu hoạch mùa màng… giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do mưa bão gây ra.
Tại khu vực ven biển, đồng chí Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tại Hải Phòng, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động, kêu gọi các chủ phương tiện, ngư dân nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn. Các lực lượng trong quân đội cũng chuẩn bị phương tiện thường trực 24/24 giờ sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức kiểm đếm, thông báo cho các phương tiện đang hoạt động và neo đậu tại các bến bãi, khu neo đậu tàu thuyền biết hướng đi của bão để chủ động phòng, tránh.
Kiểm tra thực tế tại Cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, đồng chí Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đánh giá cao sự chủ động của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng trong công tác phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng kịp thời thông tin, cập nhật thường xuyên diễn biến, đường đi của bão, nắm các phương tiện đang còn hoạt động trên biển để thông báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào nơi tránh trú, đảm bảo an toàn về người và phương tiện; đồng thời yêu cầu đơn vị không được chủ quan, lơ là, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; duy trì lực lượng, phương tiện thường trực 24/24 giờ sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Tối 6/9, đoàn công tác Quân chủng Hải quân đã thăm, động viên người dân tránh bão tại Trường Tiểu học Đông Hải 2 (quận Hải An) và ngư dân cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), TP Hải Phòng, tặng bà con một số nhu yếu phẩm.
Tại 2 nơi đến thăm, Phó Chính ủy Hải quân ân cần thăm hỏi, động viên công nhân, ngư dân an tâm tránh bão số 3. Chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nói chung, Bộ đội Hải quân nói riêng luôn sát cánh với nhân dân đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và tài sản nhân dân khi đi tránh trú bão.
* Bão Yagi mạnh cấp 14 áp sát đất liền, gió lốc quật đổ loạt cây cối và cột điện
Sáng 7/9, bão số 3 (Yagi) áp sát Quảng Ninh - Hải Phòng, gây mưa lớn, gió giật mạnh khiến hàng loạt cây cối, cột điện gãy đổ.
* Ứng phó với bão số 3: Chợ, siêu thị không thiếu hàng hóa phục vụ người dân
Hệ thống siêu thị WinMart mở cửa từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày phục vụ người dân mua sắm (ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 7/9). Ảnh: Trần Việt/TTXVNTheo báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sáng 7/9, tại các địa phương, các siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống vẫn mở hàng kinh doanh, hoạt động mua bán diễn ra đã giảm nhiều so với cuối giờ chiều ngày hôm qua.
Các siêu thị đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào ngay tại thời điểm tối muộn ngày 6/9. Trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định do các nhà cung cấp lớn và nhà cung cấp địa phương giao hàng từ tối ngày 6/9 và sáng sớm ngày 7/9 tiếp tục giao bổ sung.
Tại các chợ truyền thống, giá mặt hàng rau củ nhìn chung tăng nhẹ, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thuỷ sản vẫn giữ giá ổn định so với ngày thường. Nguồn cung tương đối đảm bảo nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.
Còn tại siêu thị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão vẫn mở cửa liên tục, hàng hóa thực phẩm tương đối nhiều. Theo thông tin nhanh từ hệ thống các siêu thị lớn tại Hải Phòng, Quang Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, tính đến 9h sáng ngày 7/9, hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thịt lợn, thịt gà... đầy ắp trên các quầy kệ. Tuy nhiên, nhiều người dân đã tranh thủ đi mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ tối ngày 6/9 và sáng nay do bắt đầu mưa và ngày nghỉ nên người dân ngại không ra đường nên sức mua không nhiều.
Chiều 7/9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa sẽ tiếp tục mở hàng. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm do mưa, bão ngày càng lớn, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu. Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo. Bộ Công Thương tiếp tục bám sát, cập nhật tình hình để chỉ đạo.
Trước đó, chiều 6/9, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã kịp thời đến một số kênh phân phối lớn để kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ. Theo ghi nhận, nguồn cung hàng hoá đa dạng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, thực phẩm chế biến, đường, sữa, muối ăn, mỳ ăn liền… Dù lượng khách hàng đổ về các hệ thống này đông hơn cùng thời gian ngày thường nhưng siêu thị vẫn đáp ứng đầy đủ.
Tại siêu thị WinMart Royal City, đại diện siêu thị thông tin, để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu, WinMart đã chủ động làm việc với nhà cung cấp qua đó dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, WinMart đã sẵn có các nhóm thực phẩm khô, sản phẩm trữ mát và hàng đông lạnh phục vụ khách hàng.
Nhằm tạo thuận tiện cho người dân mua sắm trong những ngày mưa bão, WinMart đã và đang kết nối thường xuyên với khách hàng thông qua chương trình khách hàng thân thiết “Hội viên Win” và giao hàng qua “Đi chợ online” trên winmart.vn. Ngoài ra, hệ thống của WinCommerce còn có trên 1.000 cửa hàng WinMart+/WiN gần các chung cư và gần khu dân cư, nên sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách, từ đó đáp ứng nhanh nhu cầu mua sắm cho người dân.
Cùng với Winmart Royal City, toàn bộ chuỗi siêu thị WinMart vẫn duy trì thời gian hoạt động bình thường trong các trung tâm thương mại từ 8h sáng đến 22h và các siêu thị WinMart độc lập mở cửa từ 7h sáng đến 22h hàng ngày. Về lượng hàng hóa chuẩn bị, nhất là những sản phẩm thiết yếu, WinMart đã chủ động làm việc với nhà cung cấp và dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Công tác chuẩn bị và dự trữ hàng tại các kho trung tâm khu vực miền Bắc cũng được triển khai theo hướng tăng lượng hàng tồn tại các siêu thị, đảm bảo có đầy đủ hàng hóa và bình ổn giá phục vụ khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Nhằm đảm bảo hàng hoá cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng, liên tục từ 2 ngày hôm nay, Big C Thăng Long đã tăng lượng hàng hoá lên 300%; trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt cá…Tuy nhiên, từ sáng 6/9, lượng khách hàng đến với siêu thị tăng đột biến, gấp khoảng 20 - 30 lần ngày thường.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 12h đến 15h chiều, lượng khách hàng đến siêu thị tăng cao, người mua hàng tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá, trứng, rau củ quả…Đặc biệt, Big C Thăng Long khẳng định luôn cam kết đảm bảo hàng hoá đầy đủ cho người tiêu dùng. Đối với hoạt động bình ổn giá, Big C Thăng Long đã làm việc và ký cam kết với nhà cung cấp để đảm bảo giữ ổn định giá cả trong một thời gian dài.
Không chỉ tại Big C Thăng Long mà lượng hàng hoá cũng đảm bảo dồi dào tại toàn bộ hệ thống của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam. Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị GO!, Big C thông tin, trước lo ngại ảnh hưởng của bão số 3, tại nhiều nơi, nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng hơn trước.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, GO!, Big C chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau củ quả tươi sống (hàng thiết yếu), đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá.
Tại siêu thị GO!, Big C miền Bắc đã tăng thêm thời gian mở cửa kéo dài tới 23 giờ, thay vì 22 giờ như ngày thường. Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C tại Hải Phòng, Quảng Ninh, ghi nhận sáng ngày 6/9/2024, hàng hoá khá dồi dào, người dân chủ yếu đi mua hàng thiết yếu để dự trữ. Bên cạnh đó, siêu thị đã chủ động dự trữ lượng lớn nhu yếu phẩm, thực phẩm khô đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng gấp 3-5 lần thông thường. Riêng thực phẩm tươi sống: rau thịt cá, đã tăng lượng hàng gấp 2-3 lần ngày thường và làm việc với nhà cung cấp tăng tần suất giao hàng 2-3 lần mỗi ngày thay vì 1 lần như trước nếu nhu cầu tăng đột biến. Nhìn chung, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa xảy ra hiện tượng khan hàng, giá cả tại siêu thị GO!, Big C miền Bắc vẫn đảm bảo như bình thường.
Về phía thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội thông tin: Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, sẵn sàng cung ứng cho người dân khi cơn bão số 3 đổ bộ, ngành công thương Hà Nội yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối… tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu nên hiện nguồn hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, giá cả ổn định vì vậy người dân không cần quá lo lắng việc thiếu lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, việc bình ổn giá cả cũng được Sở Công Thương yêu cầu các kênh phân phối nghiêm túc triển khai. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng liên tục vào cuộc kiểm tra việc cung ứng và giá cả hàng hoá nên không lo ngại việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Đối với Bộ Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão số 3, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung trong bất cứ tình huống nào.
Quá trình kiểm tra, cộng với báo cáo nhanh của một số kênh phân phối lớn và Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...) cho thấy, để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, Sở Công Thương các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.
Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu. Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương). Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.
* Yên Bái: Bão số 3 gây thiệt hại 108 ngôi nhà, gần 78ha diện tích nông nghiệp
Mưa lớn tại Yên Bái làm thiệt hại 108 ngôi nhà ở huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên; trong đó, 20 nhà phải di dời người và tài sản, 88 nhà bị tốc mái; gần 78ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại...
Do ảnh hưởng của bão số 3, đêm 6/9 đến sáng sớm 7/9, các khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa mưa to, lượng mưa phổ biến từ 5-30mm, có nơi cao hơn 50mm như thị trấn Mù Cang Chải 63,2mm, Cao Phạ 60,8mm và Xà Hồ 51,4mm...
Mưa lớn đã làm thiệt hại nhà cửa, diện tích hoa màu, vật nuôi và hư hỏng một số công trình công cộng tại các huyện trong tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lớn đã làm thiệt hại 108 ngôi nhà tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn và Văn Yên. Trong đó, 20 ngôi nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn và 88 ngôi nhà bị tốc mái; gần 78ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại; 105 con gia cầm bị chết; gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện...
Ngay sau khi nhận được tin báo, Ủy ban Nhân dân các huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thị trấn kiểm tra và huy động lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại, tổ chức thu dọn cây xanh bị đổ gẫy trên tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông.
Các lực lượng duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; đồng thời sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra.
* Đồng Nai: Hai vợ chồng bị chó dại cắn, một người tử vong sau 3 tháng
Ngày 7/9, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) xác nhận trên địa bàn huyện vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn là bà N.T.N.B (44 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng).
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, gia đình bà B có xin một con chó con về nuôi (không rõ địa chỉ người cho). Đến ngày 25/5, thấy con chó bị ốm, bà B cùng chồng là ông Nguyễn Văn Tân (53 tuổi), cho con chó uống thuốc. Trong quá trình cho uống thuốc, cả hai người đều bị chó cắn nhẹ ở tay.
Sau khi bị cắn, cả hai cùng ra một phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Xuân Lộc để xử lý vết thương nhưng không tiêm vaccine phòng dại. 5 ngày sau khi cắn hai vợ chồng, con chó chết.
Đến trưa 29/8, bà N.T.N.B bắt đầu lên cơn sốt. Tối cùng ngày, bà có triệu chứng sợ nước, sợ gió, đau đầu, mệt mỏi và đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc khám; sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khám và được chẩn đoán dương tính với virus dại. Đến tối 30/8, bà B tử vong sau khi bị chó dại cắn 3 tháng.
Riêng ông Nguyễn Văn Tân, trong ngày 30/8 đã lên Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc và được hướng dẫn lên tuyến trên để tiêm (do Trung tâm không có huyết thanh).
Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đã tiến hành điều tra dịch tễ. Theo đó, xung quanh khu vực sinh sống nhà bà B có 23 con chó, đa số đều chưa được tiêm phòng bệnh dại. Trong 6 tháng trở lại đây không ghi nhận chó, mèo mất tích hoặc chết.
Lực lượng chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn theo quy định ổ dịch chó nghi dại; tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào; tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trong khu vực; vận động người dân khai báo với cơ quan thú y trong khu vực khi chó, mèo có biểu hiện bất thường để lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại.
Đồng thời, lực lượng chức năng đã phối hợp với Trạm Y tế xã Xuân Hưng tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho tất cả đàn chó trong khu vực, xung quanh ổ dịch vào ngày 1/9.
Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai nhận định qua kết quả điều tra dịch tễ chưa khẳng định được nguồn lây mầm bệnh dại nên cần chú trọng, theo dõi, cảnh giác đặc biệt với các con chó lạ, chó thả rông. Tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó tại khu vực là rất cao do lây lan từ quá trình tiếp xúc với con chó bị dại.
Ngay sau khi ghi nhận sự việc, Ủy ban Nhân dân huyện Xuân Lộc đã ban hành công văn hỏa tốc về việc khẩn trương thực hiện phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện, trong đó yêu cầu các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch chó dại tại xã Xuân Hưng thực hiện nuôi nhốt và theo dõi đàn chó, mèo, báo cáo kịp thời về UBND xã nếu chó, mèo có biểu hiện của bệnh dại.
Đồng thời rà soát số hộ nuôi, số lượng chó mèo nuôi đã được tiêm phòng trong năm 2024; tổ chức tiêm vaccine cho đàn chó, mèo trên địa bàn toàn xã chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại năm 2024.
* Gia Lai: Trẻ khuyết tật 5 tuổi tử vong do bị bạo hành tại cơ sở nuôi không phép
Qua xác minh ban đầu, điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật hoạt động từ năm 2016 đến nay nhưng không có giấy phép, hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 35 trẻ bị khuyết tật về trí tuệ.
Công an tỉnh Gia Lai vừa có thông tin ban đầu về nguyên nhân vụ việc một trẻ 5 tuổi tử vong nghi bị bạo hành tại điểm nuôi trẻ khuyết tật không phép ở phường Ia Kring, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Theo tiến trình vụ việc, vào ngày 1/9/2024, Công an tỉnh Gia Lai nhận được tin báo về việc tại điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật, tổ 7, phường Ia Kring, thành phố Pleiku có 1 trẻ khuyết tật tử vong, có dấu hiệu bị bạo hành.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an thành phố Pleiku phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Pleiku và các đơn vị chức năng liên quan tập trung điều tra, làm rõ vụ việc; đồng thời, báo cáo, tham mưu chính quyền địa phương kiểm tra các điều kiện hoạt động của điểm nuôi trẻ, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Qua xác minh ban đầu, điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật, do bà Phạm Thị Hồng (sinh năm 1957, trú cùng địa chỉ trên) làm chủ. Cơ sở này hoạt động từ năm 2016 đến nay nhưng không có giấy phép, hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 35 trẻ bị khuyết tật về trí tuệ.
Thời điểm xảy ra vụ việc, bà Hồng nhờ Nguyễn Ngọc Duyên (sinh năm 2003, trú tổ 2, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku; là trẻ khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần trí tuệ nặng, hiện đang được nuôi dưỡng tại cơ sở này) cho cháu H.D.T.K (sinh năm 2019, trú thôn Cam Lâm, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; là trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ được gia đình đưa đến điểm nuôi trẻ khuyết tật số 57 Trần Nhật Duật để nuôi dưỡng từ tháng 6/2024) ăn cơm.
Duyên dẫn cháu K vào phòng nghỉ trưa, đóng cửa lại và đút cơm cho K ăn, khi mới ăn được một thìa cơm thì K đã bị ói nên Duyên dùng chân đạp nhiều lần vào vùng bụng, lưng của cháu K.
Thấy K bất tỉnh, Duyên bế cháu K sang văn phòng gọi bà Hồng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở và sau đó cháu K tử vong tại Bệnh viện.
Căn cứ tính chất, mức độ hành vi và nhân thân của Nguyễn Ngọc Duyên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Pleiku giao cho bà Phạm Thị Hồng bảo lãnh và quản lý Duyên để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, để chủ động phòng ngừa các vụ việc tương tự xảy ra và xử lý vi phạm của điểm nuôi dạy trẻ theo quy định, Công an thành phố Pleiku đã chủ động báo cáo, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku chỉ đạo và phối hợp phòng, ban chức năng, Ủy ban Nhân dân phường Ia Kring tiến hành kiểm tra, yêu cầu điểm nuôi dạy trẻ chấm dứt ngay hoạt động và củng cố hồ sơ, xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan theo quy định.
Sau khi vụ việc xảy ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân phường Ia Kring chấm dứt hoạt động với cơ sở nuôi trẻ khuyết tật này; đồng thời yêu cầu bà Phạm Thị Hồng tiến hành phân loại, lập danh sách đối tượng có cha mẹ, người thân để đưa về với gia đình.
Trường hợp các đối tượng chưa xác định được địa chỉ người thân, cha mẹ, sẽ được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai hoặc Làng trẻ em SOS tỉnh Gia Lai để được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku, đến hết ngày 6/9, các cháu đã được gia đình đón về nhà./.
Link nội dung: https://getairvestal.com/tin-24h-ngay-792024-a13761.html