Với thị trường tiêu dùng khoảng 640 triệu dân và GDP tổng cộng đạt 2,76 nghìn tỷ USD, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Nhưng tại sao quốc gia bán đảo Timor Leste gồm 1,3 triệu dân vẫn chưa được trở thành thành viên thứ 11 của khu vực thịnh vượng này?
Mặc dù có quá khứ lịch sử khó khăn với hơn 400 năm là thuộc địa của Bồ Đào Nha; 24 năm thuộc Indonesia; một cuộc đấu tranh giành độc lập; chính quyền chuyển tiếp của Liên hợp quốc; và bất ổn chính trị sau khi giành độc lập - TimorLeste đã thực hiện tốt một cách dân chủ. Đối với nền kinh tế, nước này đã tăng trưởng 6% vào năm 2018, chỉ kém 7% của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Sự tham gia của Timor Leste vào Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha (CPLP), một diễn đàn đa phương gồm 9 thành viên với dân số là 268 triệu người, GDP 2,1 nghìn tỷ USD, cung cấp thêm bằng chứng về năng lực và khả năng của quốc gia này. Timor-Leste đã giữ chức chủ tịch của CPLP trong hai năm (2014-2016), thể hiện năng lực thể chế của mình.
Hành trình trở thành thành viên ASEAN được coi là chìa khóa trong chính sách đối ngoại của Timor Leste kể từ khi nước này độc lập năm 2002 vì những lợi ích kinh tế tiềm năng và giảm rủi ro an ninh khu vực của đất nước. Tư cách thành viên ASEAN sẽ mang lại quyền tiếp cận vào các quỹ cho phát triển quốc gia thông qua các chương trình như Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), khởi động năm 2000 để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, vốn mang lại lợi ích lớn cho các thành viên mới hơn như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Trong số các lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch hoạt động của IAI là cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin viễn thông, hợp tác kinh tế khu vực, du lịch, xóa đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Timor-Leste tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2005 và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 2007 trước khi đưa ra đơn đăng ký thành viên chính thức đầu tiên vào tháng 3/2011. Với dự kiến ban đầu đưa Timor Leste trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 2015 nên một nghiên cứu khả thi đã được thực hiện.
Năm 2013, Tổng thư ký ASEAN khi đó là ông Lê Lương Minh đã nhấn mạnh, tất cả các quốc gia thành viên đã đồng ý việc gia nhập của Timor Leste, nhưng việc chấp nhận một cách hiệu quả đã bắt đầu từ năm đó với yêu cầu Timor-Leste xây dựng các năng lực cần thiết để có thể đáp ứng các cam kết và đóng góp đầy đủ cho ASEAN. Một số quốc gia, đặc biệt là Singapore, cảm thấy rằng việc gia nhập của Timor Leste sẽ dẫn đến căng thẳng tài chính với các quốc gia thành viên phải đóng góp cho sự phát triển của nước này. Sự đóng góp có khả năng của Timor-Leste đối với hội nhập khu vực của ASEAN thông qua tiềm năng khai thác dầu khí, ước tính sẽ đạt hơn 20 tỷ USD trong thập kỷ tới, không được xem xét đến.
Sau đó, có 4 đánh giá đã được thực hiện bao gồm cả đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Kết quả chỉ trì hoãn chấp nhận Timor Leste với cùng lý do "chưa sẵn sàng". Khi ASEAN công nhận sự gia nhập của Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia trong khoảng thời gian từ 1995 - 1999, không có điều kiện tiên quyết nào như vậy. Nhưng với sự hợp tác và hội nhập rộng rãi hơn ở ASEAN ngày nay, tư cách thành viên đã trở nên đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Không giống như trước đây, một thành viên mới sẽ phải tuân thủ 64 yêu cầu pháp lý và thay đổi luật pháp để đảm bảo tính đồng nhất trong khối. Hy vọng cho sự gia nhập của Timor-Leste đã được đưa ra một lần nữa vào năm 2017 trước lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Manila, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31. Nhưng nước Chủ tịch ASEAN khi đó - Philippines đã khẳng định việc xem xét gia nhập vẫn đang được nghiên cứu.
Việc gia nhập của một thành viên được điều chỉnh bởi Điều 6 của Hiến chương ASEAN, bao gồm ba điều kiện: quốc gia phải ở khu vực Đông Nam Á, quyết định kết nạp thành viên phải được nhất trí và phải có khả năng thực hiện các cam kết và nghĩa vụ. Timor-Leste đã đáp ứng hầu hết các yêu cầu, bao gồm cả việc mở đại sứ quán ở tất cả các nước ASEAN. Mặc dù khoảng cách giữa Timor-Leste và các quốc gia giàu có là khá lớn, có lẽ ASEAN cần thể hiện thiện chí tốt hơn với một quốc gia đủ điều kiện trở thành thành viên.
Malaysia được xem là một quốc gia đã chân thành ủng hộ sự gia nhập của Timor-Leste trên lập trường rằng đây là quốc gia cuối cùng còn lại ở Đông Nam Á vẫn nằm ngoài khối. Trong những năm đầu độc lập của Timor-Leste, Malaysia đã hỗ trợ trong các lĩnh vực an ninh, phát triển nguồn nhân lực và năng lực thể chế. Malaysia cũng là quốc gia đầu tiên mở văn phòng liên lạc tại Dili vào tháng 4/2000 để tạo điều kiện cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với Timor-Leste. Văn phòng này đã trở thành Đại sứ quán Malaysia vào ngày 20/5/2002, sau khi khôi phục độc lập của Timor-Leste. Nước này cũng xem Thủ tướng Malaysia Tun Dr Mahathir Mohamad là một chính khách toàn cầu và khu vực với sự hỗ trợ sẽ giúp đẩy tư cách thành viên của họ vào ASEAN. Ông là người đứng đầu chính phủ đầu tiên đến thăm đất nước này. Một phái đoàn cấp cao do Bộ trưởng Ngoại giao Timor-Leste Dionisio da Costa Babo Soares dẫn đầu, dự kiến sẽ đến thăm Putrajaya vào tháng 7/2019 để vận động sự ủng hộ của Malaysia.
Nguồn: Báo Công thương
Link nội dung: https://getairvestal.com/thoi-gian-nao-de-ket-nap-thanh-vien-thu-11-cua-asean-a14200.html