Lễ hội truyền thống là loại hình văn hóa đặc sắc, là sản phẩm tinh thần của 54 dân tộc anh em Việt Nam, được truyền từ đời nay qua đời khác. Các hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về phong tục, tập quán, về lối sống độc đáo, đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương. Đây còn là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với các vị thần linh, các anh hùng dân tộc có công với cộng đồng, với đất nước. Cùng công ty du lịch Rồng Việt khám phá TOP 10 lễ hội độc đáo nhất của Việt Nam qua bài viết dưới đây.
1. Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng hay ngày Giỗ tổ Hùng Vương là nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, TP VIệt Trì, tỉnh Phú Thọ ; nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Trước ngày lễ chính hàng năm, lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
2. Hội Lim
Hội Lim là lễ hội lớn nhất ở Bắc Ninh thu hút du khách tham quan và trẩy hội dịp đầu xuân với những chương trình đặc sắc, lắng nghe những làn điệu quan họ và nhiều trò chơi dân gian. Không chỉ có ý nghĩa biểu tượng về tinh thần, văn hóa tâm linh của người dân Bắc Kỳ, hội Lim còn nhắc nhớ thế hệ sau này về việc ghi nhớ công lao của những người đi trước và giáo dục họ giữ gìn vẻ đẹp truyền thống của dân tộc.
Hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 tới ngày 14 tháng giêng Âm lịch hàng năm, trong đó đông nhất vào ngày hội chính 13 tháng giêng. Hội Lim diễn ra tại 3 địa điểm là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và Liên Bão.
3. Hội đền Trần Nam Định
Lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại khu di tích Đền Trần ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần.
Đi du lịch Nam Định về với khu di tích Đền Trần vào mùa du lịch lễ hội du khách sẽ được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc độc đáo của Nhà Trần, đồng thời được hòa mình vào không khí nô nức của Lễ hội. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức kéo về đền Trần để hành hương, mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng.
4. Hội Gióng
Hội Gióng là lễ hội lớn và đặc sắc tưởng nhớ Thánh Gióng, một trong những vị Thánh “bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hội Gióng cũng là lễ hội độc đáo, đặc sắc nhất của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.
Hiện nay, đồng bằng Bắc bộ có rất nhiều nơi thờ phụng Đức Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng, nhưng chính hội vẫn là ở làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) nơi Đức Thánh Gióng sinh thành và Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) nơi Thánh Gióng hóa thân, Hội Gióng độc đáo này hội đủ những tiêu chí của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gìn giữ như một phần bản sắc văn hóa của mình, chứa đựng những sáng tạo, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng và hòa bình.
Hàng năm, Hội Gióng chính thống được tổ chức vào ngày mùng 8 và ngày 9 tháng 4 âm lịch tại đền Phù Đổng và các vùng lân cận.
5. Lễ hội Lồng Tồng của người Tày
Lễ hội Lồng Tồng cũng thường gọi là lễ hội xuống đồng, là một lễ hội của người dân tộc Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng, Dao, Sán Chỉ.... Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, nơi tổ chức của lễ hội tại những ruộng tốt nhất, to nhất. Vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu, khẳng định lễ hội này có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn rằng, khởi nguồn của lễ hội phải được sinh ra từ xã hội của người Tày khi đã sống thành làng bản quần cư trong cộng đồng.
Thời gian tổ chức lễ hội tùy theo từng nơi ấn định cho phù hợp với địa hình. Các địa phương gần nhau thì có thể thỏa thuận chọn ngày khác nhau để có điều kiện giao lưu, trao đổi. Hàng năm tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) lễ hội thường tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng.
6. Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch, tại di tích Tháp Bà Ponagar, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Đây là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc trên dải đất miền Trung. Lễ hội là hoạt động góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Những nghi lễ, vật phẩm thờ cúng, trang phục truyền thống, điệu múa Bóng, vở tuồng cổ… được tái hiện trong lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Mạch nguồn văn hóa tự chảy và ngấm dần qua các thế hệ mà không bị mai một theo thời gian.
7. Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ
Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Tám âm lịch, tại huyện Cần Giờ, lại diễn ra lễ hội Nghinh Ông. Ðây là một lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức nhằm tôn vinh “Ðức ngài Cá Ông”, còn gọi là Nam Hải Tướng Quân, thu hút đông đảo người dân đến dự hội.
Là một tập tục dân gian lâu đời của ngư dân nhưng do Cần Giờ nằm “sát nách” Sài Gòn nên có rất nhiều người về tham dự. Ngày nay, lễ hội được giới thiệu rộng rãi cho du khách trong và ngoài nước biết đến như một nét văn hóa độc đáo của vùng đất này. Vì vậy, vào dịp lễ Nghinh Ông, huyện Cần Giờ đón tiếp một lượng lớn du khách và người dân quanh vùng về dự lễ.
8. Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
Với những ai thích du lịch tâm linh thì chắc chắn đều biết đến miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng tại chân núi Sam, Châu Đốc. Đây là một điểm du lịch tâm linh hàng đầu tại An Giang với một kiến trúc tuyệt đẹp đặc biệt là vào ban đêm.
Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ được tổ chức từ đêm ngày 23/4 đến hết ngày 27/4 âm lịch hằng năm. Những nghi thức cũng bái sẽ được những người dân trong làng thực hiện theo nghi thức cổ truyền. Trước khi diễn ra các nghi thức chính, vào ngày 10/3 âm lịch, ban quản trị miếu sẽ bầu ra một người làm chủ lễ. Người này phải là một người từ 60 tuổi trở lên, khỏe mạnh, còn đủ vợ chồng, con cái và đạo đức tốt.
>> Tham khảo thêm : Cẩm nang du lịch Nha Trang đầy đủ và chi tiết nhất
9. Lễ hội Hoa Lư Ninh Bình
Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư (xưa thường được gọi là hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau) là lễ hội trong năm của tỉnh Ninh Bình, được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch hàng năm, là dịp để tưởng nhớ hai vị hoàng đế: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.
Đây là một lễ hội mang đậm giá trị lịch sử, được bắt đầu tổ chức khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, với những nghi lễ đã tồn tại xuyên suốt lịch sử dân tộc, hòa quyện trong đó một chút màu sắc của các truyền thuyết dân gian.
10. Hội chùa Hương
Một trong những lễ hội tháng Giêng ở miền Bắc được mong chờ nhất phải kể đến hội chùa Hương (Hà Nội). Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách ghé thăm, đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới.
Lễ hội diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, ngày khai hội là mùng 6 tháng giêng hàng năm. Song thời gian thu hút lượt khách ghé thăm nhiều nhất là vào khoảng từ rằm tháng giêng đến 18/2 âm lịch.
Thời gian này, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều nghi ngút khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Tham gia lễ hội, du khách không chỉ được dâng hương nguyện cầu bình an mà còn được thả hồn vào thiên nhiên, rừng núi hùng vĩ in dấu Phật. Tại đó, du khách còn được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …
Link nội dung: https://getairvestal.com/danh-sach-10-le-hoi-truyen-thong-noi-tieng-nhat-cua-viet-nam-a14336.html