Biện pháp liệt kê lớp 10 (Lý thuyết, Bài tập)

Tài liệu Biện pháp liệt kê lớp 10 chọn lọc với lý thuyết chi tiết (định nghĩa, phân loại, tác dụng) và bài tập đa dạng có hướng dẫn giải chi tiết giúp Giáo viên có thêm tài liệu giảng dạy Tiếng Việt lớp 10.

Biện pháp liệt kê lớp 10 (Lý thuyết, Bài tập)

Xem thử

Chỉ từ 300k mua trọn bộ Chuyên đề Tiếng Việt lớp 10 (Lý thuyết + Bài tập) bản word có lời giải chi tiết:

I. Biện pháp liệt kê là gì?

- Khái niệm: Liệt kê là biện pháp tu từ mà người nói, người viết sắp xếp nối tiếp các từ, cụm từ cùng loại trong cùng một câu, một đoạn để tạo nên ấn tượng mạnh, hiệu quả cao trong miêu tả, kể chuyện hoặc biểu lộ tình cảm, cảm xúc.

- Ví dụ về biện pháp liệt kê:

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta.

II. Nhận biết đặc điểm của biện pháp liệt kê

- Đặc điểm:

* Biện pháp liệt kê thể hiện bằng cách kể ra một chuỗi các đối tượng nhằm cung cấp thông tin cụ thể hơn cho câu.

Ví dụ:

+ Con vẫn đinh ninh khắc ghi công ơn sinh thành dưỡng dục của gia tộc, ông bà, cha mẹ, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi nẩy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương.

(Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn)

* Thành phần liệt kê ở cuối câu thường được đặt sau dấu hai chấm. Trường hợp liệt kê chưa hết các đối tượng, người ta dùng dấu ba chấm hoặc kí hiệu,...

Ví dụ:

+ Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc,...

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chuyện cơm hến)

* Trong những trường hợp thể hiện cảm xúc của người viết, liệt kê được coi là một biện pháp tu từ.

Ví dụ:

+ Nhưng một điều bố thấy: khi nghe đến chuyện tuổi thơ của bố thì Khánh chớp chớp mắt, rồi mắt đỏ lên, đang nói nhiều, trở thành im lặng; đang nghịch ngợm rong chơi trở nên hiền hậu chuyên cần; bài tập nham nhở trở thành chỉn chu; đang ăn mặt lôi thôi, diêm dúa trở thành gọn gàng, giản dị,...

(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)

* Việc liệt kê nhiều khi không chỉ gói gọn trong một câu mà được triển khai trong nhiều câu của đoạn thơ hoặc đoạn văn.

Ví dụ:

+ Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

(Thép Mới, Cây tre Việt Nam)

III. Phân loại biện pháp liệt kê

Phân loại biện pháp liệt kê

* Xét theo cấu tạo, có 2 kiểu liệt kê:

- Liệt kê theo từng cặp:là kiểu liệt kê với các cặp từ đi liền với nhau.

Ví dụ: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. (Hồ Chí Minh)

- Liệt kê không theo từng cặp: là kiểu liệt kê hàng loạt các sự vật, hiện tượng có điểm chung tương đồng.

Ví dụ: Một chiếc giường đơn, một ngọn đèn hoa kì trên chiếc chõng tre, bộ ấm tích, điếu bát.(Bảo Ninh)

* Xét về ý nghĩa, có 2 kiểu liệt kê:

- Liệt kê tăng tiến:là kiểu liệt kê theo một trình tự quy luật nhất định.

Ví dụ: Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước. (Hồ Chí Minh)

- Liệt kê không tăng tiến: là việc liệt kê các thành phần có mối quan hệ bình đẳng. Ví dụ: Mặc dù ông xuống “kiềng” cùng với một nhóm khá đông trợ lí và trinh sát, mặc dù ông cũng trang bị và nai nịt như mọi người, tiểu liên AK, dép đúc, mũ cối, áo lính Tô Châu, nhưng trong bóng rừng nhập nhoạng tôi vẫn nhận ra ông ngay. (Bảo Ninh)

IV. Tác dụng của biện pháp liệt kê

Tác dụng của biện pháp liệt kê

- Làm tăng hiệu quả biểu đạt, diễn đạt, ngắn gọn, dễ hiểu.

- Nhấn mạnh ý, chứng minh cho nhận định của tác giả. Trong văn học, liệt kê được sử dụng như một phép tu từ.

V. Lưu ý khi sử dụng phép liệt kê

Lưu ý khi sử dụng phép liệt kê

- Tất cả các từ được liệt kê phải có chung một chủ đề hoặc một ý nghĩa chung cụ thể.

- Phương pháp tăng dần yêu cầu xác định đúng thứ tự từ thấp đến cao.

- Các từ phải được phân tách bằng dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc kết hợp từ “như”, “với”, “và”, “cùng”,...

VI. Bài tập về biện pháp liệt kê

Bài tập. Chỉ ra biện pháp liệt kê trong các trường hợp sau. Xác định xem đây là kiểu liệt kê theo từng cặp hay không theo từng cặp; kiểu liệt kê tăng tiến hay không tăng tiến.

a. Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

Ba làng nhập lại không ra cái làng nào.

b. Tuồng này có một ông vua; hai ông quan - một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân.

c. Chú dạy chúng tôi thay nhau đóng vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân.

d. Già trẻ bé lớn ai cũng nôn nao với tiếng trống rao hàng của chiếc xe ngựa chạy qua đường.

e. Thằng Cò đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.

Trả lời:

Câu

Biện pháp liệt kê

Kiểu liệt kê

a

Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

b

một ông vua; hai ông quan - một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân.

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

* Lưu ý: Trong ngữ liệu b, có một phép liệt kê (một nịnh, một trung) nằm trong phép liệt kê lớn hơn.

c

vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân.

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

d

Già trẻ bé lớn

Liệt kê không theo từng cặp, tăng tiến.

e

một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

Xem thử

Xem thêm tài liệu Chuyên đề Tiếng Việt lớp 10 chọn lọc, hay khác:

Link nội dung: https://getairvestal.com/bien-phap-liet-ke-lop-10-ly-thuyet-bai-tap-a15078.html