Dân số thế giới: Động lực và thách thức

Giai đoạn bùng nổ chưa kết thúc

Năm 1955, Trái đất có 2,8 tỷ người. Ngày nay, con số đó chỉ đúng bằng hai quốc gia đông nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Vào năm ngoái, chính xác là ngày 15/11/2022, dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người.

Dân số thế giới: Động lực và thách thức
Ngày dân số thế giới hàng năm cho chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng dân số thế giới.

Thời kỳ bùng nổ dân số đã ghi nhận những cột mốc kỷ lục. Từ giữa thế kỷ 20, thế giới đã trải qua giai đoạn gia tăng dân số chưa từng có. Dân số thế giới đã tăng hơn gấp ba lần, trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2020. Tốc độ tăng trưởng dân số thế giới đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1970, với mức tăng trung bình 2,1%/ năm. Vì thế, nếu như từ năm 1804 đến 1927, chúng ta mất tới 123 năm để tăng thêm 1 tỷ người thì giai đoạn từ 1960 tới 2022, chúng ta chỉ mất trung bình 12,4 năm cho sự gia tăng tương tự. Trong đó, nhanh nhất là giai đoạn từ 2011 đến 2022, chúng ta chỉ mất 11 năm để tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người.

Thế nhưng, đồ thị tăng trưởng cũng đang có dấu hiệu chậm lại. Châu Âu đã duy trì tỷ lệ sinh thấp từ những năm 70 của thế kỷ trước. Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng bắt đầu bước vào giai đoạn suy giảm dân số. Năm 2022 ghi nhận 134 triệu trẻ sơ sinh ra đời trên khắp thế giới. Đây là số trẻ sơ sinh thấp nhất kể từ năm 2001. Nó dẫn đến việc năm 2022 trở thành năm đầu tiên kể từ 1960, tỷ lệ tăng dân số toàn cầu ở mức dưới 1%.

Tuy nhiên, giai đoạn bùng nổ dân số vẫn chưa kết thúc. Bất chấp mức tăng trung bình hằng năm đã giảm xuống 1,2% trên toàn cầu kể từ đầu thế kỷ này, thì ở những khu vực riêng biệt như Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi, mức tăng trưởng bình quân vẫn đạt xấp xỉ 2%. Cá biệt, một số nước châu Phi như Nigeria, Uganda, Congo, Angola, Chad, Mali và Somalia có tốc độ lớn hơn 3%/ năm. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ước đoán dân số thế giới sẽ đạt con số 10 tỷ người vào năm 2057. Sau Ấn Độ và Trung Quốc, Nigeria dự kiến sẽ trở thành quốc gia đông dân thứ ba thế giới, tiếp theo là Mỹ, Pakistan, Indonesia, Brazil, Congo, Ethiopia và Bangladesh. Cũng theo UNFPA, dân số thế giới sẽ đạt mức đỉnh với khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080, rồi duy trì ở mức đó đến năm 2100.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của dân số thế giới chủ yếu được thúc đẩy bởi số lượng người sống sót đến tuổi sinh sản ngày càng tăng, đi kèm với những thay đổi lớn về tỷ lệ sinh, đô thị hóa và tăng tốc di cư. Trong đó, việc gia tăng tuổi thọ được nhận định là nguyên nhân chính của việc tăng dân số trên toàn cầu. Tuổi thọ của người trưởng thành ở các nước phát triển đã tăng đáng kể từ giữa thế kỷ 20. Lượng người có tuổi thọ trên 100 tuổi hiện nay là số lượng cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử. Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi năm 2019, tăng gần 9 năm tuổi so với năm 1990. Con số này dự kiến đạt 77,2 vào năm 2050. Nói về dấu mốc 8 tỷ người vào cuối năm 2022, Giám đốc điều hành UNFPA, bà Natalia Kanem nhấn mạnh: "Đây là một câu chuyện thành công".

"Bất chấp tất cả những thách thức, thế giới của chúng ta là thế giới mà tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Thế giới đã đạt những bước tiến lớn trong nỗ lực giảm nghèo, cùng những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dân số thế giới tăng chứng tỏ rằng một phần tuổi thọ tăng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ giảm", trích phát biểu của bà Kanem tại buổi lễ kỷ niệm công dân thứ 8 tỷ vào tháng 11/2022.

Lượng người có tuổi thọ trên 100 tuổi hiện nay là số lượng cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử. Ảnh: ST.

Vấn đề không phải là giảm dân số

Nhưng, ngay cả trong cái nhìn lạc quan, chúng ta cũng phải thừa nhận những vấn đề hóc búa mà quá trình tăng dân số đem lại.

Đầu tiên, bùng nổ dân số gây áp lực lớn lên môi trường tự nhiên. Cùng với lượng người lớn hơn thì nhu cầu đất đai, nước, không khí, tài nguyên cũng sẽ gia tăng. Theo nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF), diện tích rừng giảm là hệ quả trực tiếp của việc tăng dân số ở các nước đang phát triển. Việc phá rừng, khai thác mỏ, tận dụng các nguồn tài nguyên một cách tối đa để đảm bảo nhu cầu của dân số khổng lồ đã phá hoại môi trường tự nhiên. Sự tập trung dân số còn tạo ra nguồn rác thải lớn hơn khả năng tự phân hủy của môi trường, dẫn đến ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm nước, không khí, ánh sáng, tiếng ồn lan rộng cùng quá trình đô thị hóa để mở rộng không gian sống cho con người. Những hậu quả trên làm tồi tệ hơn hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Thống kê cho thấy, trái đất đã ấm lên gần 1 độ C kể từ khi chúng ta đạt mốc 4 tỷ người vào năm 1974. Điều đó đã tạo nên những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thứ hai là áp lực từ việc tăng dân số đối với các vấn đề kinh tế xã hội. Dân số lớn hơn đòi hỏi các hệ thống an sinh xã hội phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn. Nguồn lao động dư thừa gây nên cảnh thất nghiệp, nghèo đói ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia khác, sự suy giảm dân số ở tuổi lao động khiến cho nền kinh tế trì trệ. Những hoạt động như di dân, đô thị hóa cũng làm nảy sinh các vấn đề xã hội mới. Chính việc không đáp ứng được nhu cầu của người dân đã gây ra những hệ lụy như bệnh tật, đói nghèo, các tệ nạn xã hội hay thậm chí là chiến tranh. Theo báo cáo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) công bố tháng 5/2023, số người phải rời bỏ nhà cửa trên thế giới đạt mức kỷ lục 108,4 triệu người vào năm 2022, tăng 19,1 triệu người so với một năm trước, là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, LHQ cũng cảnh báo: Có đến 3,3 tỷ người đang sống tại những quốc gia chi nhiều tiền hơn để trả lãi cho các khoản nợ, hơn là cho giáo dục hoặc y tế. Đây là mầm mống của những cuộc khủng hoảng xã hội trong tương lai.

Nhân ngày 11/7 năm nay, UNFPA đưa ra bản báo cáo mới với những chỉ dẫn cụ thể, nhấn mạnh rằng chất lượng tăng trưởng mới là điều cần được quan tâm. Điều này có nghĩa là chúng ta nên tập trung đầu tư vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cung cấp năng lượng sạch với giá cả phải chăng và hướng tới bình đẳng giới, thay vì cố gắng giảm số lượng người trên hành tinh của chúng ta.

Dân số thế giới: Động lực và thách thức
Biểu đồ cho chúng ta hình dung tốc độ tăng trưởng dân số thần tốc trong hơn 1 thế kỷ qua.

Báo cáo của UNFPA cũng "nhắc nhở" các quốc gia vì đã bỏ quên "quyền lợi hợp pháp của một nửa thế giới", tức phụ nữ và trẻ em gái. Nhấn mạnh thế giới đã không đạt được tiến bộ về bình đẳng giới trong 10 năm qua khi những thành kiến tiếp tục cản trở trao quyền cho phụ nữ, Tổng thư ký LHQ António Guterres phát biểu: "Phân biệt đối xử dựa trên giới tính gây hại cho tất cả mọi người - phụ nữ, trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai. Đầu tư vào phụ nữ nâng cao tinh thần cho tất cả mọi người, cộng đồng và quốc gia".

Những thống kê của UNFPA cho thấy hơn 40% phụ nữ trên khắp thế giới không thể đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản. Cứ hai phút lại có một phụ nữ chết vì mang thai hoặc sinh con (trong bối cảnh xung đột, số người chết còn cao gấp đôi). Gần 1/3 phụ nữ đã từng bị bạo lực tình dục. Hơn 2/3 trong số 800 triệu người trên toàn cầu không biết đọc là phụ nữ. Chính vì thế, việc bảo vệ quyền của phụ nữ cần phải trở nên cấp bách hơn. Tiến sĩ Kanem khẳng định: "Sự sáng tạo, sự khéo léo, nguồn lực và sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái là nền tảng để giải quyết các thách thức về nhân khẩu học và các thách thức khác đe dọa tương lai". Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, tăng trưởng dân số mới trở thành động lực cho sự phát triển.

Link nội dung: https://getairvestal.com/dan-so-the-gioi-dong-luc-va-thach-thuc-a15161.html