Thực hiện Nghị quyết 12 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Tỉnh ủy Đắk Nông, huyện Tuy Đức đã ban hành các quyết định, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại tại địa phương.
Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng các kế hoạch phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến.
Một trong những kết quả ấn tượng nhất của huyện là việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Cụ thể: vùng sản xuất điều tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân quy mô 9.780ha; cà phê tại xã Quảng Tân, Đắk R’tíh, Đắk Búk So quy mô 12.300ha; hồ tiêu tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm và Đắk Búk So quy mô 1.800ha; mắc ca tại xã Quảng Trực, quy mô gần 2.000ha; rau xanh trên địa bàn xã Đắk Búk So, Quảng Tâm quy mô 250ha; khoai lang trên địa bàn xã Quảng Tâm , Đắk Búk So quy mô khoảng 400ha.
Đối với cây ăn quả, bước đầu huyện đã và đang hình thành các vùng trồng bơ, sầu riêng tập trung với quy mô lớn trên địa bàn xã Quảng Tân, Quảng Tâm, Đắk Ngo, Đắk Búk So.
Huyện thực hiện chuyển đổi 3.320ha đất trồng mì, 2.288ha đất cao su và 365ha đất cây hàng năm kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như: rau xanh, chanh dây, cà phê, hồ tiêu và mắc ca.
Huyện đã xây dựng mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính tại xã Đắk R’tíh; mô hình sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC tại xã Đắk Búk So.
Địa phương tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, nông nghiệp sạch và an toàn như: mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất VietGAP trên cây hồ tiêu, cà phê, mắc ca, bơ, chanh dây, khoai lang; mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng; mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi..
Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã giúp huyện nâng cao hiệu quả lao động và giảm thiểu tác động của thời tiết. dịch bệnh trên cây trồng.
Đến nay, toàn huyện có 1.526ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, 4C. Huyện có 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, điều, cao su); 3 sản phẩm chủ lực cấp huyện (khoai lang, sầu riêng, bơ) và 2 sản phẩm tiềm năng có lợi thế cạnh tranh (mắc ca, bò thịt).
Bà Phan Thị Khương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, địa phương đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản ổn định phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thực hiện Nghị quyết 12 đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân HTX và doanh nghiệp tại Tuy Đức. Sản xuất nông nghiệp của huyện đang từng bước tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức cho biết, những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 12 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Huyện đã từng bước cải thiện thu nhập của người dân, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, ứng dụng CNC.
Đảng bộ huyện Tuy Đức xác định, phát triển kinh tế hợp lý, bền vững, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng. Huyện huy động có hiệu quả các nguồn lực phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế là mục tiêu lâu dài cho nông nghiệp.
Link nội dung: https://getairvestal.com/buoc-tien-nong-nghiep-o-huyen-vung-bien-dak-nong-a15845.html