Tiễn biệt bà Madeleine Riffaud, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam

Tiễn biệt bà Madeleine Riffaud, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tiễn biệt bà Madeleine Riffaud. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 20/11 tại thủ đô Paris, lễ tang bà Madeleine Riffaud, nữ chiến sỹ cách mạng Pháp, người bạn thủy chung, thân thiết của nhân dân Việt Nam, đã được tổ chức trọng thể trong sự tiếc thương của người thân, bạn bè Pháp và Việt Nam.

Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tham dự buổi lễ.

Trong nắng chiều lạnh lẽo của một ngày đầu Đông, đoàn người lặng lẽ đi theo chiếc xe đen chở tro cốt của bà Madeleine Riffaud, người đã dành phần lớn thời gian 100 năm sống trên đời để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng các thuộc địa và chống lại cường quyền và bất công xã hội.

Đi đầu là đoàn người cầm những lá cờ của các ủy ban, hội đoàn mà bà đã từng tham gia, chiếc xe tang từ từ tiến vào nghĩa trang Montparnasse, đông đảo người thân, bạn bè Pháp và Việt Nam lặng lẽ theo sau trong niềm tiếc thương vô hạn. Gần nơi chôn cất bà, một nhà bạt được dựng lên với chiếc bàn nhỏ nơi đặt lọ cốt bằng đá cẩm thạch màu xanh chàm, gắn biển đồng ghi dòng chữ "Marie RIFFAUD, 1924-2024, Nhà hỏa táng Père Lachaise." Phía sau là nơi đặt những quyển sổ tang để người đến dự gửi gắm lời chào vĩnh biệt tới bà.

Phát biểu tại buổi lễ truy điệu, bà Elisabeth Helfer Aubrac, con gái nhà cách mạng Raymond Aubrac, cũng là con gái nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bà Madeleine Riffaud "phải có một trái tim mạnh mẽ thì mới có thể dấn thân suốt một thế kỷ trên những con đường bà đã chọn." Đó là con đường mà người phụ nữ này, cũng như ông bà Raymond và Lucie Aubrac, đã nguyện theo đuổi: kháng chiến, chống chủ nghĩa thực dân, ủng hộ Đảng Cộng sản, đấu tranh chống lại mọi hình thức bất công.

Bà Elisabeth Helfer Aubrac, con gái nhà cách mạng Raymond Aubrac, phát biểu tại lễ truy điệu. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Bà Elisabeth Helfer Aubrac nhấn mạnh: "Không có lời nào để diễn tả hết sự độc đáo của người phụ nữ phi thường này. Madeleine đã sống cuộc đời mình với một sự sáng suốt tuyệt vời và một tinh thần lạc quan mạnh mẽ, không kém gì các đồng chí của bà." Bà kêu gọi mọi người noi theo tấm gương bà Madeleine Riffaud, tiếp tục "phục vụ nhân loại với sự kiên cường, lạc quan, kiên định và nhiệt huyết."

Trước khi tiễn bà Madeleine Riffaud vào lòng đất trong tiếng kèn da diết trầm buồn, tất cả mọi người cùng cất lời hát quốc ca La Marseillaise và bài hát truyền thống của những người kháng chiến "Le chant des partisans" (tạm dịch là Lời hát của các đảng viên). Lần lượt từng người một, gia đình, người thân và bạn bè, đã đến chạm tay vào lọ tro thay cho cái ôm tiễn biệt, viết vào sổ tang những lời chia tay cuối cùng với người phụ nữ đã có "một thế kỷ táo bạo, dấn thân, đam mê, với một ý chí phi thường", như nhận xét của bà Elisabeth Helfer Aubrac.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh sự ra đi của bà Madeleine Riffaud là một sự mất mát vô cùng to lớn đối với những người bạn, người cộng sản Pháp, và cả những người yêu quý Việt Nam.

Sự hiện diện đông đảo của họ tại tang lễ của bà cũng thể hiện tình cảm và sự ủng hộ đối với lòng dũng cảm, sức chiến đấu kiên cường và sự tham gia nhiệt tình của bà trong suốt những năm tháng ủng hộ các cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cũng như của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Nhân dịp này, Đại sứ khẳng định người dân Việt Nam luôn ghi nhớ sâu sắc những tình cảm mà bà đã dành cho, trước đây cũng như sau này, và mong rằng những người bạn của bà tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong chặng đường đấu tranh và phát triển.

Người thân, bạn bè thả hoa xuống mộ của bà Madeleine Riffaud. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Mặc dù đã ngoài 90 tuổi, bà Hélène Luc, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), cũng có mặt để chia tay người bạn, người chị của mình.

Nhắc lại những câu chuyện về bà Madeleine Riffaud, bà Hélène Luc cho rằng đây là một người phụ nữ có khả năng trong mọi lĩnh vực, sống vì mọi người, đấu tranh chống lại mọi sự bất công và áp bức. Bà chia sẻ: "Madeleine Riffaud là một người phụ nữ có trái tim rộng lớn. Bà ấy sẽ không mất đi mà sống mãi trong lòng chúng tôi, là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo."

Nói về tình cảm đặc biệt của Madeleine Riffaud đối với đất nước Việt Nam, bà Elisabeth Helfer Aubrac giải thích: "Sở dĩ bà ấy có một trái tim rộng mở đối với Việt Nam và Đông Dương, bởi vì khi ở đó, bà ấy luôn cảm thấy như ở nhà mình và những người bạn Việt Nam chính là người thân. Với tôi cũng vậy, Việt Nam là gia đình của tôi. Chúng tôi hợp nhau cũng vì thế."

Con gái nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng Việt Nam chắc chắn rất quan trọng đối với bà Madeleine Riffaud, nhưng các cuộc chiến đấu khác của bà cũng rất đáng nhớ, dù đó là chống lại chủ nghĩa thực dân hay chủ nghĩa phát xít, chống lại áp bức hay bất công xã hội..., và truyền thống đấu tranh này của bà cần được tiếp tục.

Ông Alain Bonnet, thành viên Làng hữu nghị Vân Canh Việt Nam cũng cho biết, lúc sinh thời, bà Madeleine Riffaud không chỉ ủng hộ Việt Nam độc lập và thống nhất, mà còn tham gia nhiệt tình vào các hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em tàn tật ở Việt Nam.

Ông chia sẻ: "Đối với chúng tôi, ngày hôm nay thật buồn, nhưng cũng thật cảm động vì đây cũng là dịp để tri ân bà, người nữ chiến sỹ cách mạng, một người cộng sản, cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Một ngày thật khó quên với chúng tôi!"

Về phần mình, ông Jean-David Morvan, tác giả của 3 cuốn truyện tranh về sự nghiệp kháng chiến chống phát xít Đức của bà Madeleine Riffaud cũng cho rằng sự ra đi của bà là một nỗi buồn lớn lao, nhưng ông cũng cảm thấy rất tuyệt vời khi đã có rất nhiều người đến dự đám tang, đã cùng hát quốc ca và bài hát truyền thống của những người đảng viên.

Theo ông, không chỉ đóng góp cho cách mạng Pháp, bà Madeleine Riffaud với vai trò nhà báo cũng có công lao to lớn khi mang đến cho nước Pháp góc nhìn mới về cuộc chiến tranh ở Đông Dương, về Việt Nam, về Algeria.

Ông không quên bày tỏ hài lòng khi đã kịp ra mắt tập 3 truyện tranh về cuộc đấu tranh của bà Madeleine Riffaud, nhân dịp bà tròn 100 tuổi vào ngày 23/8 vừa qua.

Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã gửi thư chia buồn trong đó nhắc lại những đóng góp to lớn của bà cho tình hữu nghị Việt-Pháp.

Đông đảo người thân và bạn bè Pháp và Việt Nam tiễn biệt bà Madeleine Riffaud. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Chủ tịch Phan Anh Sơn nhấn mạnh: "Đồng chí Madeleine Riffaud đã vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng, song ký ức về đồng chí - một nữ chiến sỹ vì hòa bình với lòng dũng cảm và trái tim nhân hậu luôn hướng về Việt Nam, sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của người dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cuộc đời của đồng chí Madeleine Riffaud chính là minh chứng cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam. Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam và các tổ chức hữu nghị nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng."

Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Pháp cũng đã gửi điện chia buồn tới gia đình bà Madeleine Riffaud và đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp.

Trong điện chia buồn, bà Nguyễn Thúy Anh, chủ tịch Hội đã nhấn mạnh: "Là một gương mặt tiêu biểu của phong trào kháng chiến Pháp, một nhà báo và nhà văn tận tụy, cả cuộc đời cống hiến cho cuộc đấu tranh vì công lý, hòa bình và quyền lợi của các dân tộc bị áp bức, bà Madeleine Riffaud cũng là một người bạn vĩ đại của Việt Nam. Hình ảnh của bà trên các mặt trận và sự gắn kết của bà đối với sự nghiệp của Việt Nam vẫn còn khắc sâu trong ký ức của chúng tôi. Madeleine đã rời bỏ chúng ta nhưng trong thế giới này, nơi bạo lực và hận thù vẫn ngự trị, tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai đất nước và hai dân tộc chúng ta mà bà đã đóng góp rất nhiều vẫn là di sản quý giá của chúng ta"./.

Link nội dung: https://getairvestal.com/tien-biet-ba-madeleine-riffaud-nguoi-ban-thuy-chung-cua-nhan-dan-viet-nam-a16510.html