Có căn cước, trẻ em trên 6 tuổi có mở được tài khoản ngân hàng?

Ngày 1/7, luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, công an toàn quốc triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 6 tuổi và từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi. Nếu có thẻ căn cước, trẻ em trên 6 tuổi có mở được tài khoản ngân hàng?

Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Đồng thời, luật Căn cước năm 2023 sẽ mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên. Trong đó, trẻ dưới 6 tuổi không bắt buộc làm thẻ căn cước từ 1/7/2024.

Trẻ em trên 6 tuổi có mở được tài khoản ngân hàng không?

Trao đổi với PV Dân Việt, một nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, việc mở tài khoản theo quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì vậy không phải trường hợp nào được cấp căn cước công dân cũng được mở tài khoản ngân hàng.

Trích Điều 11, Thông tư 22/2020/TT-NHNN, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, nếu người dưới 15 tuổi muốn mở tài khoản ngân hàng thì phải thông qua người giám hộ, tức người đại diện theo pháp luật.

Có căn cước, trẻ em trên 6 tuổi có mở được tài khoản ngân hàng?

Trích Điều 11, Thông tư 22/2020/TT-NHNN.

Hiện, ghi nhận của PV Dân Việt, một số ngân hàng đã triển khai mở tài khoản ngân hàng cho trẻ dưới 15 tuổi.

Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), người từ 1 tuổi đến dưới 15 tuổi có thể được mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật (giống như Thông tư 22 do NHNN ban hành). Theo quy định của Techcombank, người đại diện đó có thể là bố mẹ hoặc người được ủy quyền giám hộ bằng văn bản được pháp luật công nhận mới có thể mở tài khoản thanh toán cho nhóm đối tượng này.

Người giám hộ cần cung cấp được đầy đủ các thông tin cá nhân và các tài liệu liên quan cho ngân hàng như: CMND/CCCD/Hộ chiếu của chủ tài khoản, CMND/CCCD/Hộ chiếu của người giám hộ, giấy ủy quyền giám hộ… Các thông tin và yêu cầu cụ thể có thể khác nhau tùy theo từng ngân hàng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng cấp tài khoản ngân hàng phổ biển dành cho học sinh từ 6 - 15 tuổi theo 2 cách: mở tài khoản trực tiếp tại phòng giao dịch hoặc mở tài khoản trực tuyến.

Có căn cước, trẻ em trên 6 tuổi có mở được tài khoản ngân hàng?

Công an Hà Nội cấp thẻ căn cước cho trẻ em. Ảnh: CACC.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhà băng này có 2 loại tài khoản chính cho trẻ em dưới 18 tuổi. Đó là BIDV Smart Kids và tài khoản ngân hàng BIDV.

Trong đó, BIDV Smart Kitds là dịch vụ ngân hàng số dành riêng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Đây là dịch vụ ngân hàng dành riêng cho học sinh, được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ phụ huynh giáo dục tài chính cá nhân cho con cái thông qua phương pháp trao quyền.

Nhưng người thực hiện mở tài khoản BIDV Smart Kids phải là bố mẹ mở cho con và tài khoản này được thiết kế đặc biệt nhằm giới hạn một số tính năng nhất định theo sự phân quyền của cha mẹ.

Thứ hai là tài khoản thanh toán thông thường của BIDV được mở và sử dụng theo pháp luật Việt Nam hiện hành. Người mở tài khoản có thể là chủ tài khoản hoặc mở thông qua người giám hộ. Và chủ tài khoản có thể sử dụng toàn bộ các tính năng của một tài khoản thanh toán thông thường

Như vậy, có thể khẳng định rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc mở tài khoản ngân hàng không giới hạn độ tuổi, đồng nghĩa với việc mọi công dân đều có thể mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, chủ tài khoản cần mở tài khoản ngân hàng thông qua người đại diện theo pháp luật của mình.

Linh Anh

Link gốc

Link nội dung: https://getairvestal.com/co-can-cuoc-tre-em-tren-6-tuoi-co-mo-duoc-tai-khoan-ngan-hang-a17542.html