Bạn có biết, giâm cành chính là phương pháp giúp nhân giống nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa hồng. Đối với hoa hồng, đây được xem như cách nhân giống nhanh nhất với tỷ lệ sống của cành giâm rất cao. Tuy nhiên, rất nhiều người yêu hoa lại chẵng lần nào giâm sống, hoặc chỉ sống với tỉ lệ rất thấp. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào? Cùng Farmervietnam tìm hiểu ngay cách giâm cành hoa hồng cho tỉ lệ sống hơn 90% trong bài viết này nhé!
1/ Giâm cành hoa hồng là gì?
Ngoài việc nhân giống cây bằng phương pháp chiết, ghép thì giâm cành hoa hồng chính là một phương pháp nhân nhanh với số lượng lớn cây con.Phương pháp giâm cành chính là sử dụng cành của cây mẹ đem cắm vào giá thể để cho ra rễ và phát triển thành cây con.
2/ Thời điểm giâm cành hoa hồng
Thời gian thích hợp để giâm cành là vào mùa xuân từ tháng 2 - 4 và vào tháng 8 - 10, vì thời gian này giúp cành giâm nhanh ra rễ và tỷ lệ sống cao. Thông thường sau khi giâm khoảng 8 tháng là cây có thể cho ra hoa
3/ Cách giâm cành hoa hồng bằng giá thể
3.1 Chuẩn bị giá thể
Giá thể để giâm cành hoa hồng là loại giá thể có độ tơi xốp cao, thoát nước tốt và giữ ẩm tốt. Hỗn hợp giá thể thích hợp cho giâm cành hoa hồng thường được sử dụng gồm tro trấu và đất đồi hoặc tro trấu và cát theo tỷ lệ 2 : 1.
Ngoài ra, nên sử dụng giá thể ươm giống được phối trộn sẵn, đầy đủ dinh dưỡng để ươm hom giâm,
Có thể sử dụng khay vuông, bầu ni lông để đựng giá thể hoặc giâm cành bằng cách lên liếp.
3.2 Chọn hom giâm
- Các giống hồng dễ giâm là hồng rừng, hồng dại, bạn cũng có thể trồng những giống hồng khác sẽ có tỷ lệ sống thấp hơn nhưng vẫn có khả năng thành công.
- Một trong những yêu cầu để cành giâm hoa hồng đạt tỷ lệ sống cao đó là phụ thuộc vào cách chọn hom giâm.
- Hom được chọn phải là những cành bánh tẻ (cành không quá già hoặc quá non, tốt nhất là đoạn giữa loại cành đang mang hoa).
3.3 Cắt hom giâm
- Mỗi hom có chiều dài từ 8 - 10 cm và có 1 - 3 mắt ngủ còn xanh, đã u lên khoảng 1 - 2 mm. Hom được cắt vát xuống 30 độ ngược với hướng mọc của mầm. Vết cắt phẳng mịn và không dập nát.
- Tại sao khi giâm cành phải cắt bớt lá? Trước khi giâm cần cắt bớt lá, chỉ để lại 2 - 3 lá chét ở cuống lá mắt phía trên để giảm bớt sự thoát hơi nước, đảm bảo cân bằng giữa nước hút vào và nước mất đi, tập trung nước và dinh dưỡng còn lại để nuôi tế bào mô phân sinh, nâng cao tỉ lệ sống của cây mới (vây non).
3.3 Xử lý hom giâm
Những đoạn hom cần được xử lý trước khi đem đi giâm bằng cách ngâm vào thuốc kích thích ra rễ (tuân theo hướng dẫn trên bao bì của các loại thuốc kích thích ra rễ). Đây là bước giúp quá trình ra rễ được phát triển nhanh chóng, giúp cây dễ dàng thích nghi với môi trường giá thể tiếp theo.
Đặc biệt đối với các bạn không muốn sử dụng hóa chất thì có thể thực hiện các cách kích rễ như sau:
- Pha 1 phần mật ong với 1 phần nước sôi, khuấy đều để nguội, sau đó cắm cành giâm vào, sẽ kích rễ tự nhiên và cực hiệu quả.
- Pha 1 muỗng giấm táo với 1 lít nước, nhúng cành giâm vào dung dịch rồi lấy ra vùi vào bột quế cũng là một cách kích rễ rất tốt.
- Lấy cành liễu, cắt khúc nhỏ khoảng 3cm, ngâm vào nước, để phơi nắng khoảng 2 ngày, sau đó dùng nước tới vào cành giâm đã trồng sẽ giúp hồng ra rễ cực khỏe.
3.4 Kĩ thuật giâm cành hoa hồng
Sau khi chuẩn bị giá thể và xử lý cành giâm, ta sẽ tiến hành cắm các đoạn hom vào giá thể. Hom của cây hoa hồng sẽ được cắm xiên 45 độ với độ sâu từ 1,5 - 2,0 cm với khoảng cách 5×5 cm. Cành giâm cần nơi có mái che tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời để phát triển.
3.5 Chăm sóc cành giâm
- Cành giâm cần được chăm sóc cẩn thận và đảm bảo độ ẩm cho giá thể đạt từ 95 - 100% trong giai đoạn 3 ngày đầu sau khi giâm. Để đảm bảo độ ẩm ổn định có thể tưới phun sương trên bề mặt 2 lần/ngày.
- Sau khi giâm từ 10 - 20 ngày cành giâm chưa ra rễ và bắt đầu xuất hiện chồi non. Lúc này nên sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng như Atonik 1,8 % DD với liều lượng 10mL/8L, hoặc Komix định kì 10 ngày 1 lần.- Sau khoảng 25 - 35 ngày là có thể ra cành giâm bằng cách vào bầu cho cây con. Sử dụng bầu trồng với kích thước khoảng 7 - 10 cm hoặc 20 - 25 cm, có lỗ thoát nước ở đáy. Những cành giâm có thể ra bầu được là cành có rễ đã ngả chuyển sang màu nâu, chiều dài rễ đạt 3 - 4 cm.
- Khoảng 2,5 tháng sau khi giâm là cành giâm đã phát triển thành cây con với chiều cao khoảng 15 - 25 cm, rễ phát triển khỏe mạnh, cây sinh trưởng khỏe.
4/ Một số cách giâm cành hoa hồng khác
4.1 Cách giâm cành hoa hồng bằng khoai tây
Đây là một cách giâm cành hoa hồng khá đặc biệt tăng tỷ lệ thành công và tiết kiệm chi phí. Khoai tây là một loại củ có chứa nhiều chất dinh dưỡng và độ ẩm cao giúp rễ cây hoa hồng phát triển nhanh chóng và khỏe mạnh. Nếu bạn đang có ý định nhân giống cây hoa hồng theo cách này thì hãy làm theo các bước sau:
Bước 1
Bạn cũng thực hiện như cách giâm cành bằng đất. Hãy lựa chọn những cành hoa khỏe mạnh khoảng 20 cm và cũng cắt chéo góc 45 độ. Sau đó cắt hết phần lá và gai ở thân dưới và giữ lại lá ở trên. Tiếp đến, nhúng cành sau khi cắt vào các sản phẩm kích rễ trước khi giâm cành vào khoai tây.
Bước 2
Tiến hành chọn vị trí thuận lợi có đầy đủ ánh sáng và độ ẩm cần thiết. Tiếp đến bạn cho xới tơi đất và tưới nước cho đủ ẩm. Sau đó đào một hố vừa củ khoai tây.
Bước 3
Dùng que cứng đục một lỗ trên củ khoai bằng với đường kính của cành hồng. Lưu ý ở bước này trước khi sử dụng thì dụng cụ phải được sát khuẩn và rửa sạch.
Bước 4
Tiến hành cắm cành hoa hồng vào lỗ đã đục trên khoai tây. Bạn cố gắng cắm nhẹ tay sao cành không bị nát. Sau đó, bạn đem trồng khoai vào hố đã đào sẵn và vun đất lại sao cho củ khoai bị vùi toàn bộ. Mỗi ngày bạn hãy tiến hành tưới nước sao cho cây luôn đủ độ ẩm cần thiết. Trong quá trình chăm sóc bạn hạn chế đụng vào cành để rễ cây phát triển ổn định.
4.2 Cách giâm cành hoa hồng bằng nước
Giâm cành hoa hồng bằng nước là cách sử dụng nước tinh khiết để kích thích cành hồng ra rễ. Cách này rất dễ thực hiện để tạo ra những chậu hoa hồng rực rỡ chỉ trong thời gian ngắn. Cách thực hiện của phương pháp này như sau:
Bước 1
Bạn cũng chọn những cành cây khỏe, có màu xanh thẫm và có hoa khoảng 20cm. Sau đó đem cắt vát hai đầu sao cho cành còn khoảng 15 cm. Bạn vặt bớt lá nhưng phải giữ một ít lá ở phần trên để phục vụ cho quá trình tổng hợp chất. Những cành mà bạn đem đi giâm phải có khoảng 3-4 mắt có kích thước lớn để chúng dễ dàng đâm rễ.
Bước 2
Bạn cho nước tinh khiết vào cốc nhựa trong làm giá thể giâm cành hoa hồng nhằm dễ dàng theo dõi quá trình ra rễ của cành. Sau đó, cho dung dịch kích rễ NAA nồng độ 500 đến 700 ppm vào nước và khuấy đều. Tiếp đến, bạn cắm trực tiếp cành hồng đã xử lý vào dung dịch trên.
Bước 3
Sau khi giâm cành trong nước được 3 ngày bạn nên giảm độ ẩm xuống còn 85 đến 90%. Lúc này bạn có thể cho hết tất cả các cành hồng vào một cốc nhựa lớn và đậy nắp lại. Khoảng 5 đến 10 ngày sau, bạn hãy sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón để phun qua lá. Tiếp đến 10 ngày sau lại phun tiếp một lần nữa và chỉ phun 2 đợt cho mỗi lần giâm cành.
Bước 4
Sau thời gian 10 đến 30 ngày kể từ lúc ngâm trong nước cành sẽ ra rễ. Lúc này bạn hãy trồng xuống đất và chờ đợi khoảng 1 tháng là cây hồng sẽ bắt đầu đâm chồi và có nụ.
4.3 Cách giâm hoa hồng bằng cát
Đây là một cách giâm cành hoa hồng dễ thực hiện tại nhà. Bạn cũng chuẩn bị và xử lý cành hồng như bước 1 của cách giâm cành bằng nước. Sau đó, bạn nhúng cành hồng vào dung dịch kích mọc rễ khoảng 3-5 giây.
Tiếp đến, cho cát vào hộp và dùng đũa để tạo lỗ vừa với đường kính của cành hồng. Cành hoa hồng đã xử lý bạn đem cắm trực tiếp vào cát khoảng 2 đến 3cm. Bạn hãy tưới nước cho cây hằng ngày để tạo môi trường ẩm vừa đủ cho cây.
5/ Ưu và nhược điểm của giâm cành
Ưu điểm của phương pháp giâm cành hoa hồng là hệ số nhân giống cao, cây con giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ. Cây con sinh trưởng và phát triển tốt, phân cành mạnh.Tuy nhiên, đối với phương pháp này cần chú ý giai đoạn đầu, vì cây dễ bị nhiễm bệnh từ giá thể trồng. Cần chú ý xử lý giá thể trước khi dùng để giâm cành hoa hồng. Tuổi thọ của cây sẽ không cao như cây trồng bằng hạt do có bộ rễ không ăn sâu.
6/ Lưu ý khi giâm cành hoa hồng
Để giâm cành hoa hồng mọc rễ chi chít, cành giâm khỏe mạnh thì cần lưu ý những điều sau:
- Cành tốt nhất một chồi phải có 5 lá để hỗ trợ quá trình tổng hợp các chất cho quá trình ra rễ. Tốt nhất nên chọn cành đang có hoa, để chắc chắn rằng cây sau này có tỷ lệ ra hoa cao.
- Nên chọn các giống hồng thân thuộc với điều kiện khí hậu của địa phương giúp tăng tỷ lệ sống sót của cành giâm.
- Tuy là loại cây ưa ẩm, nhưng không nên tưới nước vào buổi tối làm đọng nước gây thối rễ. Đối với cành giâm cần được che chắn kỹ càng tránh mưa to hay nắng gắt.
Bên cạnh đó, cắt cành hồng đem giâm cũng là cơ hội tốt để kiểm tra cây có sâu bệnh hại không. Hãy cắt bỏ những bộ phận sâu bệnh của cây nhé!
Hi vọng, với những bước giâm cành hoa hồng tương đối đơn giản này, các bạn có thể tự chuẩn bị cho khu vườn của mình những cây hoa hồng chất lượng nhất. Chúc các bạn thành công!
Theo-Sfarm.vn
Quý bà con nông dân có thông tin cần chia sẻ hoặc thắc mắc thì hãy liên hệ:
- Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
- Hotline/zalo: 0989.777.523
- Email: [email protected]