Chính sách đô thị hóa còn thiếu và chưa đồng bộ
Khác với nhiều sách chuyên ngành khác, đây là những đúc kết giá trị trên cơ sở của đề tài nghiên cứu khoa học RD 12-21: “Nghiên cứu đánh giá vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, đề xuất định hướng chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương đặt hàng, đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc từ hội đồng.
PGS-TS. Lưu Đức Hải cho biết tại mỗi quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam nói riêng, đô thị hóa là quy luật tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa là một chỉ số báo cáo quan trọng cho thấy sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền và của mỗi địa phương. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội tại mỗi địa phương.
Tính đến tháng 12.2020 cả nước có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM), 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,4%, dân số đô thị tính đến năm 2020 là 36.727.248 người. Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt 12 - 15%, cao hơn 1,2 - 1,5 lần so với mặt bằng chung của cả nước.
PGS-TS. Lưu Đức Hải phát biểu tại hội thảo “Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam - thực trạng và định hướng chính sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức tháng 9.2023, trực tiếp tại Hà Nội và TP.HCM, đồng thời trực tuyến 14 điểm cầu là các sở xây dựng địa phương. Ảnh: CTV
Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển. “Trong 10 năm qua (2010 - 2020), với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đô thị Việt Nam phát triển nhanh. Tuy nhiên chính sách về đô thị hóa còn thiếu và chưa đồng bộ. Kết quả là trong khái niệm tỷ lệ đô thị hóa chỉ bao gồm các điểm định cư của con người: đô thị, nông thôn mà thiếu vắng một loại điểm dân cư quan trọng, đó là điểm dân cư công nghiệp.
Trong khi đó chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã phát huy tác dụng, nhiều khu công nghiệp được phát triển, dẫn đến phát triển đô thị không bắt kịp với sự phát triển của các khu công nghiệp, còn sự phát triển công nghiệp lại thiếu định hướng đô thị hóa tương lai. Cơ sở khoa học và thực tiễn để đánh giá quá trình đô thị hóa, các chính sách về đô thị hóa (dịch cư và dân số đô thị, đất đô thị, tổ chức không gian đô thị, mối quan hệ giữa đô thị, nông thôn, công nghiệp hóa và hạ tầng kỹ thuật đô thị) chưa được đánh giá đầy đủ…”, PGS. Hải chia sẻ.
Một nghiên cứu liên ngành có giá trị cao
Theo TS. Đặng Việt Dũng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam), đô thị hóa là quá trình tất yếu trong tiến trình phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Quá trình đô thị hóa có tác động đến mọi mặt xã hội, tỷ lệ đô thị hóa là biểu hiện trực tiếp về trình độ phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa quyết định việc hình thành và phát triển đô thị. Trong suốt chiều dài lịch sử, hệ thống đô thị Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng, nhất là từ sau khi đất nước được thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới. Thành quả cũng như các vấn đề đặt ra trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam rất cần được đánh giá khách quan, khoa học để có định hướng chính sách phù hợp cho tiến trình đô thị hóa trong tương lai.
Theo đó, Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng chính sách trong tương lai đã giúp độc giả có cái nhìn tổng thể về quá trình đô thị hóa của Việt Nam trong 10 năm qua thông qua: Đánh giá quy mô, tốc độ đô thị hóa; Đánh giá về dịch cư đô thị, về đất đô thị và tổ chức không gian đô thị; Đánh giá mối quan hệ giữa đô thị, nông thôn và công nghiệp hóa, ảnh hưởng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đến quá trình đô thị hóa.
Các số liệu được trình bày trong cuốn sách được cập nhật và trích dẫn nguồn tin cậy và có giá trị tham khảo cao. Một số nội dung lý luận mới về mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn, mối quan hệ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa đã được nhóm tác giả đề cập như là cơ sở khoa học cho các giải pháp chính sách phát triển đô thị trong tương lai. Nhiều giải pháp, chính sách về quá trình đô thị hóa trong thời gian tới (chính sách về di cư và dân số đô thị; chính sách về đất đô thị và tổ chức không gian đô thị...) cũng đã được các tác giả đề xuất bám sát thực tiễn và có tính khả thi.
Bạn đọc có nhu cầu mua sách, giao tận nơi có thể liên hệ phòng phát hành Người Đô Thị, hotline: 0901854010.
“Cuốn sách có bề dày gần 500 trang, là một nghiên cứu liên ngành có giá trị thực tiễn và lý luận cao, do PGS-TS. Lưu Đức Hải chủ biên cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực đô thị, chắc chắn sẽ là một tác phẩm hay, bổ ích không chỉ dành cho các nhà chuyên môn, nhà quản lý mà còn là nguồn tài liệu tham khảo quý giá cho tất cả bạn đọc quan tâm đến vấn đề đô thị”, TS. Dũng nhận định.
Định hướng chính sách đô thị hóa cho giai đoạn tiếp theo
KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định “Đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới”. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của quá trình đô thị hóa đến quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên thực tế hiện nay lại có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về đô thị hóa. Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng chính sách trong tương lai cho thấy hàm lượng khoa học rất lớn của đề tài và cuốn sách này mang lại.
“Cuốn sách đã thể hiện được rất rõ cái nhìn tổng quan về đô thị hóa của Việt Nam trong quá khứ (2010 - 2020) thông qua các khía cạnh như: quy mô, tốc độ đô thị hóa; đánh giá về dịch cư đô thị; đánh giá về đất và tổ chức không gian đô thị; đánh giá về mối quan hệ giữa đô thị, nông thôn và công nghiệp hóa; đánh giá về ảnh hưởng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đến quá trình đô thị hóa. Để từ đó dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn về đô thị hóa, nhóm tác giả đã đề xuất định hướng chính sách đô thị hóa cho giai đoạn tiếp theo thông qua các khía cạnh: định hướng chính sách về dịch cư và dân số đô thị; về đất đô thị và tổ chức không gian đô thị; về mối quan hệ giữa đô thị, nông thôn và công nghiệp hoá; về hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Cuốn sách là tâm huyết của nhóm tác giả muốn truyền đạt đến độc giả. Tôi thiết nghĩ đây sẽ là cuốn sách mà mỗi người nên có trong tủ sách của mình”, KTS. Chính nói.
Nguyễn Trần