Đây là nhận định của ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia về tác động của hiện tượng El Nino đến nước ta trong thời gian tới. Dự báo mới nhất, khả năng từ tháng 6 trở đi, El Nino mới suy yếu và chuyển dần sang pha La Nina với xác suất khoảng 55-60%.
Trước mắt, El Nino còn tiếp diễn khiến trời nắng nhiều hơn và nóng hơn, nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm từ 0,5-1,5 độ C. Lượng mưa ở Trung Bộ và Tây Nguyên nhiều khả năng thiếu hụt 15-30%. Hệ quả là dòng chảy trên các sông cũng sẽ giảm từ 15-50% so với cùng kỳ mọi năm, có thể gây ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Từ cuối tháng 5, tình hình khô hạn ở đây sẽ giảm dần khi Tây Nguyên chuyển dần sang mùa mưa. Nhưng với khu vực Trung và Nam Trung Bộ, từ tháng 9 trở đi mới bước vào mùa mưa lũ chính vụ, do đó từ tháng 5-8, khô hạn có khả năng xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận.
Cùng với Trung Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ đã xảy ra nắng nóng sớm trong tháng 3. Trong nửa cuối tháng 3, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, nắng nóng sẽ xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ vào tháng 4-6/2024. Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5.
Trước đó, trong tháng 2/2024, tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến thiếu hụt từ 10-30mm so với TBNN cùng thời kỳ. Đáng chú ý, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều nơi cả tháng không có mưa.
Những ngày đầu tháng 3, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ, Bắc vàTrung Trung Bộ đều thiếu hụt từ 5-15mm so với TBNN cùng thời kỳ, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến không mưa và thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ
Mưa phùn ẩm ở Bắc Bộ còn kéo dài hết tháng 3
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong nửa cuối tháng 3, không khí lạnh hoạt động yếu dần và rét đậm, rét hại chỉ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía Bắc. Riêng hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn TBNN trong thời kỳ nửa cuối tháng 3/2024.
Từ tháng 4, không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại. Mưa nhỏ mưa phùn cũng giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển phía Đông Bắc Bộ.
Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao
Từ đầu năm đến nay, ở khu vực ĐBSCL xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn tăng cao, ranh mặn 4g/l trên các sông ở mức cao hơn TBNN và cùng kỳ năm 2023.
Dự báo tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Công về ĐBSCL trong tháng 3-4/2024 ở mức thấp hơn TBNN từ 10-20%; tháng 5 - 6/2024 tương đương TBNN. Mực nước sông Cửu Long biến đổi châm theo triều và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo ở mức cao hơn TBNN.
Từ nay đến hết mùa khô năm 2024, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (từ 24/3-27/3). Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 24-27/3, từ 08-12/4, từ 25-29/4). Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.