Móng chân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các đầu ngón chân và mạng lưới dây thần kinh dày đặc ở các đầu chi. Móng chân khỏe mạnh còn góp phần không nhỏ vào thẩm mỹ đôi chân, tạo nên sự tự tin và thoải mái cho mỗi bước đi. Tuy nhiên, móng chân cũng là nơi cảnh báo sức khỏe nếu cơ thể gặp vấn đề. BS.CKI Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ thông tin thêm đến quý độc giả về cấu tạo, vị trí, chức năng và bệnh lý thường gặp của móng.
Móng chân là gì?
Móng chân là lớp sừng cứng nằm ở đầu ngón chân, được tạo thành từ chất keratin - một loại protein có chức năng bảo vệ. Móng chân giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mạng lưới thần kinh dày đặc ở đầu các chi khỏi bị tổn thương, hỗ trợ trong việc đi đứng, và tạo dáng thẩm mỹ cho bàn chân.
Vị trí móng chân nằm ở đâu?
Móng chân là một phiến sừng mỏng nằm ở vị trí tận cùng ngón chân. Móng chân có độ bóng là do chúng chứa chất béo, nước và nhiều nguyên tố vi lượng khác như crom, kẽm. Móng chân phát triển dưới lớp da theo cơ chế khi tế bào mới được sinh ra sẽ đẩy tế bào cũ ra ngoài, vì vậy về cơ bản chúng chính là những tế bào đã chết. Đây cũng chính là lý do vì sao bạn không cảm thấy đau khi cắt móng chân hay móng tay.
Cấu tạo móng chân ở người
Cấu tạo móng chân ở người gồm các phần chính như: (1)
- Bản móng (nail plate): là phần ngoài cùng có thể nhìn thấy được. Nơi này cũng chứa nhiều thông tin nhất để bác sĩ khai thác khi khám lâm sàng.
- Biểu bì (cuticle): là phần nếp da ở mầm sinh móng.
- Giường móng (nail bed): là phần mô mềm nằm dưới bản móng, có nhiều mạch máu nhỏ giúp móng có màu hồng. Màu sắc thực của bản móng là trắng, khi móng phát triển dài và nhô ra ngoài.
- Mầm sinh móng (nail matrix): là phần nằm trong vùng liềm móng, phía dưới nếp da đáy móng và được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu. Đây là phần phát triển thành thân móng khi dài ra theo thời gian.
Chức năng của móng chân
Móng chân tuy nhỏ bé nhưng đóng vai trò quan trọng, là lớp bảo vệ cứng cáp để che chắn các đầu ngón nhạy cảm khỏi những tổn thương từ bên ngoài, như cọ xát hay va đập, giúp bảo vệ dây thần kinh và mạch máu dày đặc ở đầu ngón chân và giảm thiểu nguy cơ chấn thương. Móng chân còn làm tăng khả năng cảm giác ở đầu ngón chân và phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể.
Các bệnh lý thường gặp ở móng chân
Dưới đây là các bệnh thường gặp ở móng chân:
1. Nấm móng chân
Tình trạng nhiễm nấm ở móng chân. Móng chân sẽ xuất hiện các triệu chứng như dày lên, đổi màu, dễ gãy, bong tróc và còn có thể kèm mùi hôi. Nấm móng chân dễ lây lan nếu bạn tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh qua việc dùng chung các vật dụng cá nhân.
Xem thêm: Loạn dưỡng móng là bệnh gì?
2. Móng chọc thịt (móng quặp)
Tình trạng cạnh móng chân không mọc thẳng mà quặp vào và đâm xuống phần da xung quanh, làm vùng này viêm sưng, tấy đỏ, thậm chí nhiễm trùng. Móng chọc thịt có thể do cắt móng quá ngắn, đi giày chật, hoặc móng mọc cong bất thường.
3. Móng chân hình gai
Bệnh này liên quan đến những thay đổi bên dưới hoặc xung quanh móng chân làm cho các ngón chân to bất thường, móng chân mở rộng và gập xuống, xuất hiện những góc sắc nằm giữa lớp biểu bì và móng. Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc mắc một số bệnh lý như bệnh phổi, tim mạch, rối loạn tiêu hóa và ung thư. Bệnh thường âm thầm tiến triển trong vài tuần hoặc vài năm.
4. Móng chân đổi màu
Màu sắc móng chân thay đổi có thể do nhiều nguyên nhân, như tiếp xúc sơn, thuốc nhuộm từ giày dép hoặc các sản phẩm có chứa thuốc nhuộm. Ngoài ra còn có thể do các loại thuốc như thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh hoặc thuốc dùng điều trị rối loạn tự miễn dịch. Thậm chí đây còn có thể là dấu hiệu mắc bệnh gan, tiểu đường, ung thư da.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, không nên chủ quan với những thay đổi nhỏ trên móng chân, vì chúng có thể là tín hiệu cảnh báo sớm cho những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
5. Móng trắng (leukonychia)
Tình trạng móng xuất hiện các đốm hoặc vệt trắng. Tình trạng này được chia thành nhiều mức độ nghiêm trọng, như xuất hiện một vệt trắng trên móng, trắng một phần móng hoặc móng đổi màu trắng hoàn toàn. Nguyên nhân có thể do nấm móng hoặc móng bị thương, hoặc là dấu hiệu của nhiều loại bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh nghiêm trọng. Ngoài ra đột biến do gen di truyền hoặc do hóa trị, ngộ độc kim loại nặng cũng có khả năng gây ra tình trạng này.
Nếu chỉ là vài đốm trắng nhỏ không gây đau đớn, người bệnh có thể theo dõi và bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu trắng móng tiếp tục lan rộng kèm theo những triệu chứng khác như móng dày lên, đổi màu thì bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
6. Chấn thương móng chân
Thường xảy ra do va đập mạnh, kẹt ngón chân hoặc do mang giày dép quá chật trong thời gian dài. Biểu hiện thường thấy là đau nhức, sưng tấy, bầm tím, thậm chí xuất huyết dưới móng hoặc móng bị bong tróc. Nếu móng bị bong tróc nhiều, bạn cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng cách và tránh nhiễm trùng.
7. Móng chân khô dễ gãy
Tình trạng móng mất đi độ ẩm tự nhiên, trở nên giòn, nứt, dễ gãy hoặc tách lớp. Nguyên nhân là do tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thiếu hụt vitamin và các chất dinh dưỡng, lão hóa, hoặc các bệnh như nấm móng, vảy nến.
8. Ly móng (bong móng):
Hiện tượng móng chân bị tách ra khỏi giường móng bên dưới. Tình trạng này gây đau đớn, mất thẩm mỹ và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Móng có thể tách theo chiều dọc hoặc chiều ngang, đây có thể là kết quả do chấn thương, nhiễm trùng móng, bệnh, hoặc thiếu vitamin…
Để khắc phục tình trạng này người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp. Một số trường hợp móng bị tách sẽ tự lành khi móng mới mọc lên. Tuy nhiên nếu tình trạng ly móng kéo dài hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
9. Dày móng
Tình trạng móng chân hoặc móng tay trở nên dày hơn bình thường, gây khó khăn khi cắt tỉa và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố như bệnh chàm móng, bệnh loạn sừng Darier và bệnh nấm móng.
Dấu hiệu móng chân đổi màu cảnh báo sức khỏe
Móng chân đổi màu là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Sau đây là một số màu sắc móng chân thay đổi thường gặp:
- Móng chân chuyển màu vàng: thường do nấm móng hoặc liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp, tiểu đường, hoặc vảy nến.
- Móng chân chuyển màu trắng: là dấu hiệu của nấm móng, đặc biệt khi kèm theo các dấu hiệu móng sần sùi, dễ gãy. Móng thiếu kẽm, vitamin A, sắt cũng sẽ xuất hiện sọc trắng, đây là biểu hiện của suy dinh dưỡng và một số bệnh nội khoa khác.
- Móng chân chuyển màu đen hoặc nâu sẫm: thường do tụ máu dưới móng do chấn thương hoặc đi giày quá chật. Ít gặp hơn thì đây có thể là dấu hiệu của khối u ác tính, nhiễm nấm.
- Móng chuyển màu xanh tím hoặc xanh lá: có thể là hội chứng móng xanh (chloronychia) do vi khuẩn gây ra trong môi trường ẩm ướt như bồn tắm nước nóng, miếng bọt biển, đi giày chật trong thời gian dài. Hoặc có thể liên quan đến các bệnh hiếm gặp hơn như suy tim, thiếu oxy, hoặc nhiễm trùng.
- Móng chân màu xám hoặc nâu nhạt: có thể do chấn thương, viêm nhiễm, nhiễm nấm, hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc. Trong một số trường hợp hiếm, có thể liên quan đến khối u ác tính.
- Móng chân màu tím hoặc xanh đen đậm: là dấu hiệu của các vấn đề về tuần hoàn máu, thiếu oxy, hoặc nhiễm trùng.
Hướng dẫn chăm sóc bảo vệ móng chân khỏe mạnh
Móng chân phản ánh sức khỏe tổng thể, đó là lý do tại sao việc chăm sóc móng đúng cách lại cực kỳ quan trọng. Để giữ cho móng chân khỏe mạnh:
- Giữ móng sạch và khô.
- Cắt móng theo chiều ngang. Sử dụng kéo cắt móng tay hoặc kìm cắt móng sắc. Giũa nhẹ ở đầu móng để móng chắc khỏe.
- Giũa móng thường xuyên để lưu giữ hình dạng móng.
- Không cắt lớp biểu bì ở rìa móng vì chúng có thể làm hỏng móng.
- Cắt móng chân thường xuyên. Giữ móng ngắn sẽ giảm thiểu nguy cơ chấn thương và thương tích.
- Khi móng chân dày và khó cắt, hãy ngâm chân trong nước muối ấm. Pha một thìa cà phê muối với một lít nước và ngâm trong 5 đến 10 phút.
- Nếu bị móng chân bị mọc ngược, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được điều trị để tránh nhiễm trùng, gây ra nhiều đau đớn.
- Đi giày vừa vặn và vệ sinh giày thường xuyên để chân luôn sạch sẽ.
- Mang dép khi đi hồ bơi và trong phòng tắm công cộng. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng do nấm có thể xâm nhập vào móng chân.
Hiện nay chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 luôn nằm trong những địa chỉ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực thẩm mỹ da và điều trị các vấn đề về da tại khu vực miền Nam. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm với khách hàng và được đào tạo chuyên môn sâu các kỹ thuật điều trị da tiên tiến, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da của bệnh viện đã giúp hàng ngàn bệnh nhân khắc phục các vấn đề về thẩm mỹ và sức khỏe da.
Mỗi người bệnh sẽ được điều trị cá thể hóa, ứng dụng biện pháp điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bệnh viện còn sở hữu nhiều thiết bị, máy móc tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại cùng quy trình khám chữa bệnh tối ưu giúp mang lại trải nghiệm điều trị và kết quả tốt nhất cho khách hàng.
Nếu móng chân của bạn xuất hiện thay đổi, sưng hoặc gây đau, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da vì đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng về móng. Việc điều trị bệnh về móng ngay từ giai đoạn sớm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và giảm nguy cơ mắc biến chứng, mang lại bộ móng khỏe đẹp.