Bún măng vịt là một món ngon độc đáo, lạ miệng và được nhiều người ưa chuộng với cách chế biến vô cùng đơn giản. Tô bún nóng hổi, có vị ngọt tự nhiên của nước dùng, thịt vịt mềm ngọt lẫn hương thơm chua dịu của măng và chén mắm gừng đậm đà sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm ẩm thực đầy tuyệt vời. Nếu đang có ý định thực hiện món ăn này để “đổi gió” cho bữa cơm gia đình, bạn hãy tham khảo cách nấu bún măng vịt dưới đây của Bếp Trưởng Á Âu (BTAAu) nhé.
Món bún măng vịt chuẩn vị thơm ngon, dễ nấu tại nhà (Ảnh: Internet)
Hướng dẫn cách nấu bún măng vịt siêu ngon tại nhà
Chuẩn bị nguyên liệu
Mách nhỏ bí kíp chọn vịt ngon:
- Khi mua vịt làm sẵn, bạn nên chọn những con có màu da trắng hồng, đều màu, cảm giác tươi mới.
- Chọn vịt có da mềm mịn, không có vết nứt nẻ hoặc tổn thương. Khi dùng tay ấn vào thấy thịt chắc, đàn hồi, không có mùi hôi.
- Những con vịt ngon thường có mình béo, ức và phao câu tròn, da cổ, da bụng dày.
Thịt vịt ngon, không có mùi hôi tanh thì thành phẩm sẽ rất hấp dẫn (Ảnh: Internet)
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế vịt
Bạn có thể mua vịt đã được làm sẵn ngoài chợ hoặc mua nguyên con về làm tại nhà, sau đó đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Tiếp tục dùng nửa củ gừng đập dập và một chút rượu trắng chà xát lên vịt để khử hết mùi hôi. Sau đó, bạn rửa sạch vịt bằng nước lạnh thêm vài lần nữa.
Các bước sơ chế giúp thịt vịt không bị tanh (Ảnh: Internet)
Bí kíp sơ chế thịt vịt để loại bỏ mùi tanh:
Thịt vịt nếu không được sơ chế kỹ sẽ có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng của món ăn. Để đảm bảo thịt vịt có hương vị thơm béo và không bị tanh thì việc sơ chế đúng cách rất quan trọng.
- Khi mua vịt về, trước tiên bạn rửa qua nhiều lần với nước sạch rồi bóp với muối, rượu trắng và gừng đập dập để khử sạch mùi tanh. Tiếp đó, bạn rửa lại thêm vài lần với nước sạch.
- Bạn cũng có thể sử dụng chanh hoặc giấm để khử mùi hôi. Chà xát trực tiếp chanh cắt lát hoặc giấm lên vịt sau đó rửa lại với nước. Nếu vẫn chưa hết mùi hôi, bạn có thể kết hợp chanh, giấm cùng với gừng đập dập.
- Bạn có thể chặt bỏ phần đầu, chân vịt, phao câu nếu gia đình không thích ăn, đây cũng là một cách để loại bỏ bớt đi mùi hôi.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi nhỏ.
- Hành, tỏi khô bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ.
- Măng chua rửa sạch với nước muối, sau đó thái thành những sợi dài khoảng 5 - 7cm, vắt cho ráo nước.
- Phần tiết vịt luộc chín rồi cắt miếng vừa ăn.
Bước 3: Luộc vịt
Bắc nồi lên bếp rồi cho vịt vào luộc cùng với 1 củ gừng đập dập, 2 củ hành tím, 1 muỗng cà phê muối. Khi nước luộc sôi thì hạ lửa nhỏ cho vịt chín từ từ, mở vung nồi. Trong lúc luộc, bạn chú ý vớt hết bọt và váng mỡ vịt để nước dùng bún trong và ngọt.
Thịt vịt khi đã chín, bạn đem chần sơ qua nước đá lạnh để da vịt không bị thâm. Sau đó chặt vịt thành từng miếng vừa ăn.
Bước 4: Nấu nước dùng
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, phi hành và tỏi băm cho thơm rồi đổ măng chua vào xào, nêm thêm 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm và trộn đều. Khi đã ngấm đều gia vị thì cho măng vào nồi nước luộc vịt, nấu sôi, nêm nếm lại cho vừa ăn, thêm vào hành lá rồi tắt bếp.
Các bước làm nước dùng món vịt nấu măng (Ảnh: Internet)
Bước 5: Pha nước chấm mắm gừng
Cho vào cối gừng thái sợi, 2 trái ớt tươi, 1 củ tỏi đã lột vỏ, ½ muỗng ớt bột, 2 muỗng đường rồi giã nhuyễn. Tiếp tục cho vào 3 muỗng canh nước mắm, ½ muỗng canh nước cốt chanh rồi khuấy đều cho tất cả gia vị hòa quyện, đậm đà.
Thưởng thức cùng nước chấm mắm gừng giúp món bún măng vịt thêm hoàn hảo (Ảnh: Internet)
Bước 6: Trình bày món ăn và thưởng thức
Cho bún vào tô, xếp thịt vịt đã chặt lên và chan nước dùng vào, rắc thêm một ít tiêu nữa là bạn có thể thưởng thức ngay một tô bún nóng hổi, thơm phức và có vị ngọt đậm đà. Chấm thịt vịt với mắm gừng hoặc có thể thêm một ít nước mắm vào tô bún để khi thưởng thức sẽ đậm vị hơn, bạn có thể ăn kèm với rau sống cũng rất ngon.
Chỉ với những bước thực hiện đơn giản, bạn đã làm nên món bún măng vịt thơm ngon, bổ dưỡng (Ảnh: Internet)
Những lưu ý khi nấu món bún măng vịt:
- Trong quá trình nấu nước dùng, bạn hãy thường xuyên vớt bọt để nước dùng trong hơn.
- Bạn có thể cho thêm xương heo, chân gà để hầm cùng nước dùng.
- Nấu bún măng vịt không thể thiếu gừng. Gừng sẽ giúp khử mùi tanh của vịt hiệu quả và giúp nồi nước dùng dậy lên hương vị đặc trưng.
- Sử dụng xác gừng xay làm mắm chấm để không có vị đắng và nước mắm đục.
- Bên cạnh măng chua, bạn cũng có thể nấu bún măng vịt với măng khô hoặc măng tươi. Với măng tươi, bạn bỏ hết phần già cứng, bào mỏng, ngâm nước 1 - 2h rồi mang đi luộc 2 - 3 lần. Sau mỗi lần luộc, vớt ra, ngâm nước lạnh.
Cách nấu bún vịt măng khô ăn hoài không chán
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Nguyên liệu nấu món bún vịt măng khô (Ảnh: Internet)
Các bước nấu bún vịt măng khô
Bước 1: Sơ chế vịt
Vịt làm sẵn sau khi mua về rửa sạch và chà xát với muối. Tiếp tục cho gừng đập dập, 2 muỗng canh rượu trắng vào thau rồi chà xát hỗn hợp này vào vịt từ trong ra ngoài, sau đó xả sạch lại với nước khoảng 2 - 3 lần.
Bước 2: Sơ chế măng khô
Ngâm măng khô với nước qua đêm rồi rửa sạch lại 2 - 3 lần. Sau đó cho măng vào nồi nước luộc trong 10 phút tính từ lúc nước sôi. Sau khi luộc đủ thời gian, vớt măng ra ngâm với nước lạnh cho nguội, để ráo.\
Bạn có thể ngâm với nước vo gạo sẽ giúp măng nhanh mềm hơn (Ảnh: Internet)
Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn. Khi dầu nóng, đổ hành tím băm vào phi thơm. Sau đó cho măng vào xào, nêm thêm ½ muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê bột ngọt, đảo đều cho măng thấm gia vị thì tắt bếp.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Hành tím rửa sạch, nướng thơm, cạo bỏ phần cháy đen, rửa sạch với nước.
- Gừng chia là hai phần: một phần nướng thơm, cạo bỏ phần cháy và phần còn lại đập dập.
- Củ cải trắng cạo vỏ, rửa sạch, cắt khúc. Ớt hiểm cắt bỏ cuống, rửa sạch, băm nhuyễn.
- Hành lá nhặt gốc, rửa sạch. Phần đầu hành cắt khúc khoảng 4cm, phần lá cắt nhỏ.
- Các loại rau ăn kèm nhặt gốc, rửa sạch, để ráo. Ngò rí, rau răm rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ.
Bước 4: Nấu nước dùng
Cho vào nồi 5 lít nước lọc, bắc lên bếp đun đến khi sôi liu riu thì cho vịt vào. Cho tiếp gừng nướng, hành tím nướng, củ cải trắng, 1 muỗng muối, 1 muỗng đường, 1 muỗng hạt nêm vào nồi rồi khuấy đều để gia vị tan ra.
Tiếp tục đun sôi trong 30 phút, sau đó bạn dùng đũa xiên vào phần thịt dày nhất của con vịt để kiểm tra xem đã chín chưa. Nếu không thấy nước đỏ chảy ra thì vịt đã chín và ngược lại. Lúc này bạn hãy vớt vịt ra, ngâm vào thau nước lạnh cho nguội, sau đó để ráo rồi chặt thành miếng vừa ăn.
Bạn vớt rau củ trong nồi nước dùng ra, nêm thêm 2 muỗng nước mắm, 2 muỗng bột ngọt, 1 ít tiêu xay, 1 muỗng hành phi vào khuấy đều. Khi nước dùng sôi trở lại, bạn cho đầu hành lá vào và tắt bếp (Lưu ý: Bạn có thể gia giảm gia vị sử dụng sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình).
Xào măng và nấu nước dùng bún măng vịt (Ảnh: Internet)
Bước 5: Trình bày món ăn và thưởng thức
Cho bún tươi ra tô rồi xếp thịt vịt và măng xào lên trên, chan nước dùng, thêm rau nêm, một ít hành phi và một ít tiêu xay là hoàn thành tô bún măng vịt thơm ngon hấp dẫn. Khi thưởng thức, bạn hãy vắt thêm 1 miếng chanh và ăn cùng với rau ăn kèm, nước mắm gừng để món ăn tròn vị hơn.
Tô bún vịt măng khô chuẩn vị, thơm ngon ngất ngây (Ảnh: Internet)
Bún măng vịt là món ăn được nhiều người yêu thích bởi phần nước dùng ngọt thanh, béo ngậy kết hợp cùng măng chua giòn ngọt, thịt vịt dai mềm và nước chấm mắm gừng đậm đà. Món bún này hứa hẹn sẽ là một bữa ăn ngon miệng và giàu dinh dưỡng cho gia đình bạn. Hy vọng với cách nấu bún măng vịt đơn giản mà BTAAu hướng dẫn trên đây, bạn sẽ làm nên những tô bún hấp dẫn để thưởng thức. Chúc bạn thành công.
Đừng quên điền vào form bên dưới hoặc gọi đến số tổng đài 1800 6148 hoặc 1800 2027 (miễn phí cước gọi) để được liên hệ tư vấn chi tiết hơn về các khóa học nấu ăn tại Bếp Trưởng Á Âu bạn nhé!